Đề bài: Tại sao chị em Liên lại cố thức đợi chuyến tàu đêm? Qua hình ảnh đó tác giả muốn nói gì với bạn đọc?
Bài làm
Khi buổi chiều bắt đầu tàn, màn đêm từ từ buông xuống, chỉ còn những kiếp người lầm lũi bước ra kiếm ăn thì chị em Liên và An vẫn thức. Hai chị em vẫn chong chong đợi chờ không phải là để bán hàng bởi thực chất cũng chẳng có ai mua bán gì, hai chị em thức chủ yếu là đợi chuyến tàu đêm đi qua phố huyện. Con tàu trong câu chuyện không chỉ mang một ý nghĩa quan trọng đối với Liên và An mà còn ẩn chứa một nỗi niềm sâu thẳm của tác giả, của cả câu chuyện.
Trước hết họ chờ tàu không phải là để thoả mãn sự hiếu kì của của bản thân, không phải là hi vọng sẽ bán được hàng mà với một lí do chỉ có họ mới hiểu.
Thứ nhất ở đây có quá nhiều bóng tối mà đêm nào chị em Liên cũng phải chứng kiến những cảnh đời tẻ nhạt ấy họ càng thấy tăm tối, mà sống mãi trong bóng tối thì con người thường khao khát ánh sáng cho dù ở đây cũng có những đốm sáng nhưng không đủ để xua đi bóng tối. Chỉ có con tàu mới đem thứ ánh sáng đích thực nên họ cứ chờ. Ánh sáng rực rỡ phát ra từ các toa tàu, từ những đồng và kền sáng lấp lánh như một thế giới mới xua tan sự tăm tối từ những ngọn đèn tủn mủn của những gánh hàng.
Hơn nữa, đoàn tàu còn đem đến một thế giới khác hẳn, nó xua đi một cuộc sống tịch mịch với âm thanh rộn rã của tiếng còi tàu, rồi tiếng máy nổ, tiếng bánh xe rít vào đường ray và hình ảnh những con người sang trọng, ánh sáng của đèn điện trên tàu, làm cho không gian nơi đây như bừng tỉnh. Khác với vẻ im lìm, heo hắt của phố huyện, sự im lặng như một không gian chết chóc bao phủ, thì con tàu ngược lại lại đầy sức sống, mãnh liệt và huyên náo biết bao nhiêu. Đây chính là điều chị em Liên khao khát, là chút hạnh phúc hiếm hoi mà họ được tận hưởng mỗi ngày. Hơn nữa đối với họ con tàu còn gợi lại những kỉ niệm êm đềm tươi đẹp ở tuổi thơ của họ, cái ngày mà gia đình còn ở Hà Nội (chị em Liên được đi chơi bờ Hồ, được uống những cốc nước lạnh có màu xanh, đỏ…) bây giờ cuộc sống ấy đã đi vào dĩ vãng nên mỗi khi tàu đi qua họ lại được sống lại những giây phút hạnh phúc ấy.
Hình ảnh con tàu ngoài ý nghĩa tả thực còn mang ý nghĩa biểu tượng: nó thể hiện khát vọng của tuổi trẻ về một cuộc sống mới tươi sáng đích thực, kiên quyết không chấp nhận sự tăm tối, u uất.
Con tàu như chở những ước mơ, khát vọng của cả hai chị em. Con tàu trở đến rồi trở đi cũng như chính những ước mơ và hi vọng của họ còn xa vời với thực tại nhưng không phải là không tồn tại, không có căn cứ. Nhờ có con tàu, cả phố huyện như bừng sáng trong sức sống, như được tiếp thêm sức mạnh, sự huyên náo, tươi mới đến từ một vùng đất khác.
Con tàu không chỉ là niềm hi vọng của hai chị em, nó còn cho thấy những nét tinh tế, nhạy cảm trong ngòi bút của Thạch Lam. Chỉ một chi tiết con tàu đi qua phố huyện thôi nhưng biết bao gia đình đã chờ đợi, đã ngóng chông. Sự thay đổi trong không gian tăm tối ấy cũng là nhờ có đoàn tàu đem lại.
Thông qua chi tiết con tàu người đọc cũng cảm nhận được sự nhân đạo trong ngòi bút của Thạch Lam, nhà văn muốn trân trọng những ước mơ tuổi thơ, nhà văn không muốn làm tổn thương trái tim em bé. Có lẽ vì vậy mà tác giả đặt tên truyện là Hai đứa trẻ.
>>>XEM THÊM :