Đề bài: Trong một bộ phim truyền hình Việt Nam mới công chiếu gần đây, nhân vật người ông nói với người cháu của mình rằng: “Ta có thể nhặt được một gói tiền nhưng sẽ không có ai đánh rơi một gói văn hoá cho ta nhặt”. Anh chị suy nghĩ như thế nào về lời nhắc nhở trên?
Bài làm
Con người có thể dùng tiền để mua được nhiều thứ, nhưng tiền lại không thể mua được văn hóa của một người. Tương tự như vậy, con người có thể đánh rơi nhiều thứ nhưng trong đó cũng không bao gồm văn hóa. Trong một bộ phim truyền hình Việt Nam mới công chiếu gần đây, nhân vật người ông nói với người cháu của mình rằng: “Ta có thể nhặt được một gói tiền nhưng sẽ không có ai đánh rơi một gói văn hoá cho ta nhặt”.
Tiền là một giá trị vật chất, là vật thể hữu hình. Con người có thể đánh rơi tiền trên đường đi, đó là điều dễ thấy. Trên thực tế, rất nhiều trường hợp người ta có thể nhặt được tiền trên đường. Thế còn văn hóa thì sao? Văn hóa là giá trị tinh thần, là phạm trù vô hình. Văn hóa là bản chất tính cách được tôi luyện hình thành trong mỗi người; là lời ăn tiếng nói, cách hành xử của con người. Người có văn hóa sẽ thể hiện trong ngôn ngữ, trong giao tiếp và hành động của họ. Sẽ không có chuyện văn hóa có thể rơi mất để cho người khác nhặt được bởi đó là cách hành xử của một con người tốt đẹp. Người ứng xử có văn hóa thì sẽ luôn có văn hóa, họ không vất điều đó đi để bạn có thể nhặt được dễ dàng như nhặt đồ vật trên đường.
Bên cạnh đó, câu nói còn có một ý nghĩa quan trọng khác: ta có thể nhặt được tiền nhưng ta sẽ không thể nhặt được văn hóa. Văn hóa phải là sự học hỏi, tích lũy và thực hiện theo năm tháng, không phải trong thoáng chốc, bỗng dưng mà bạn có được văn hóa trong tay. Một người muốn trở thành người có văn hóa thì người đó phải tích cực học tập, trau dồi, biết lắng nghe, học những đạo đức, tác phong, cách cư xử và học cách để có lối sống đẹp. Đây là một quá trình gian nan đòi hỏi ta phải có lòng kiên nhẫn, sự chủ động, có tính nhẫn nại, biết lắng nghe khiển trách. Không phải cứ người khác động vào mình là sẽ tự ái, tự ti. Không những vậy, chúng ta còn cần phải biết giữ mình, không để mình dễ dàng sa ngã, vấp váp, không để bản thân vì những lợi lộc trước mắt mà trở thành người bất lịch sự, kém văn minh, suy thoái đi những nét văn hóa tốt đẹp trong con người mình.
Đây là một bài học vô cùng sâu sắc và rất có giá trị thực tiễn đặc biệt là trong bối cảnh hiện nay. Khi mà mọi việc thật giả lẫn lộn, các giá trị đạo đức suy đồi, lung lay. Con người ngày càng trở nên thực dụng, chạy theo đồng tiền. Nhiều người rất giàu có nhưng lại không có văn hóa, cư xử và có lối sống như một người vô học. Chúng ta có thể kiếm tiền trong từng giai đoạn của cuộc đời, tiền có thể có lúc có nhiều có khi có ít nhưng văn hóa thì không. Chúng ta phải học tập và tự bản thân thay đổi, trở thành một người có văn hóa. Chỉ một hành động nhỏ vô văn hóa thôi cũng khiến chúng ta sa chân vào vũng bùn, mãi trở thành một người xấu xa trong mắt người khác. Cũng không ai có thể ngửa tay xin được văn hóa, tự bản thân mỗi người phải tìm và xây dựng văn hóa cho mình.
Mỗi thế hệ con người, đặc biệt là lớp thanh niên, càng cần phải thấm thía câu nói và lấy đó là lời răn dạy, là tấm gương soi rọi bản thân mình. Hãy điều chỉnh và uốn nắn hành vi để biến mình trở thành một con người có văn hóa trong cộng đồng.
>>>XEM THÊM :
- Nghị Luận Xã Hội Về Tình Thương Của Con Người
- Cái chết không phải là điều mất mát lớn nhất trong cuộc đời