Sat, 08 / 2018 4:03 pm | thuylinh

Đề bài: Sự biến đổi nhận thức của Phùng và Đẩu trong Chiếc thuyền ngoài xa

Bài làm

Trong truyện ngắn Chiếc thuyền ngoài xa của nhà văn Nguyễn Minh Châu, không chỉ có gia đình của người đàn bà hàng chài gây ấn tượng mạnh mẽ với người đọc mà bên cạnh đó còn cả hai nhân vật Phùng và Đẩu. Sự thay đổi trong nhận thức và hành động của hai nhân vật cũng chính là bài học và những chiêm nghiệm sâu sắc của chính nhà văn về cuộc đời.

Cả Phùng và Đẩu đều vô cùng bất bình, bức xúc trước tình trạng bạo hành gia đình trong mái ấm của người đàn bà hàng chài. Nghệ sỹ Phùng thì ngay từ đầu, khi chứng kiến cảnh người đàn ông đánh vợ đã vô cùng ngạc nhiên sửng sốt sau đó đến tức giận và khó chịu. Anh cũng là một con người hết sức nhân hậu, tốt bụng và có trách nhiệm qua hành động chạy lại can thiệp vào vụ bạo hành ấy để rồi chính mình cũng bị đánh. Phùng thấy tức giận thay cho người đàn bà phải sống một cuộc sống cam chịu, chịu đựng như vậy với người chồng của mình. Cuộc sống của chị là 3 ngày một trận nhẹ, 5 ngày một trận nặng vậy mà chị vẫn nhịn nhục, nhún nhường để bị hành hạ. Sự bức xúc ấy đã khiến Phùng quyết tâm cùng Đẩu can thiệp vào gia đình nhà người khác, khuyên người đàn bà li hôn chồng.

Với Đẩu cũng vậy, cũng là người lính từng xông pha nơi xa trường, là người ngay thẳng, dũng cảm anh cũng không chấp nhận được việc người đàn bà phải chịu thiệt thòi, uất ức như vậy trong gia đình chị. Chính vì vậy, Phùng và Đẩu muốn tìm ra một lối thoát cho người đàn bà hàng chài, họ muốn giúp chị li hôn cũng là tìm ra một cuộc sống mới, con đường mới, tự do và không phải chịu cảnh bạo hành.

 

Loading...

sự biến đổi nhận thức của phùng và đẩu trong chiếc thuyền ngoài xa

Ban đầu khi người đàn bà khép nép, run run bước đến và từ chối đề nghị li hôn, cả Phùng và Đẩu đề ngạc nhiên xen lẫn tức giận. Các anh tức giận là bởi thấy chị nhu nhược, yếu hèn, cam chịu, chị không dám li hôn để rồi tiếp tục chịu đựng cuộc sống vất vả cơ cực ấy. Hai anh nghĩ rằng đây là một người đàn bà ngu ngốc, yếu đuối và vô cùng bất lực, không có một chút can đảm, tự tin cùng chính kiến riêng. Thế nhưng sự ngỡ ngàng và tức giận ấy đã hoàn toàn bay biến khi hai người nghe những lời giãi bày tâm sự của người đàn bà hàng chài. Lúc này họ mới thực sự hiểu, vỡ lẽ ra cái lí do khiến chị không thể li hôn. Những lời giải trình của người đàn bà là hoàn toàn có lí, chị hóa ra lại là người rất chu đáo, chu toàn, biết tính toán nhìn xa trông rộng, lo toan được nhiều bề. Chị đã cho cả hai người đàn ông thấy được sự từng trải cùng dày dặn, những kĩ năng sống của mình. Tình yêu thương của chị đối với gia đình cũng khiến các anh phải nể phục. Cách chị lựa chọn mới chính là chu đáo, hợp tình hợp lí và sáng suốt nhất.

Hiểu được ra điều này, cả Phùng và Đẩu đều thay đổi suy nghĩ, họ biết rằng người đàn bà hàng chài đã đúng, đã hành động có tình có lí trong trường hợp này. Ngược lại chính họ mới là những người ngây thơ non nớt, trẻ người non dạ trong sự việc trên. Qua đó họ hiểu ra rằng, cuộc sống không thể chỉ nhìn một chiều, ta phải khám phá nó từ nhiều phương diện, từ nhiều cách nhìn nhận khác nhau. Nếu ta chỉ đứng trên lập trường từ một phía, một người để đánh giá thì đó chỉ là sự chủ quan những nhìn nhận hẹp hòi của chính chúng ta. Chúng ta cần có sự thấu hiểu và đồng cảm, hiểu biết về sự việc thông qua nhiều mặt, hiểu được bản chất của nó để có những nhận thức đúng đắn về cuộc đời.

Sự thay đổi trong nhận thức của Phùng và Đẩu cũng cho người đọc một cái nhìn mới khác lạ hơn. Có lẽ chính người đọc khi đọc theo tiến trình và mạch cảm xúc của câu chuyện cũng có cảm giác và suy nghĩ như Phùng và Đẩu thế rồi chính người đọc cũng phải thay đổi suy nghĩ ấy khi nghe giãi bày của người đàn bà hàng chài. Quả thật đây đúng là một bài học cho bất cứ ai trong cách nhìn nhận đánh giá con người và sự vật ngoài đời sống xã hội muôn màu muôn vẻ ngày nay.

>>> XEM THÊM : 

Loading...
Spread the love
Bài viết cùng chuyên mục