Đề bài: Hướng Dẫn Soạn Bài Tương Tư Lớp 11 Của Nguyễn Bính
Bài Làm
Câu 1. Anh chị cảm nhận như thế nào về nỗi nhớ mong và những lời kể lể, trách móc của chàng trai trong bài thơ?
Tình cảm của chàng trai đã được đền đáp hay chưa?
Nỗi nhớ mong của chàng trai trong bài thơ là nỗi nhớ tha thiết đến mức chàng trai thốt lên thành những lời kể lể: “thôn Đoài ngồi nhớ thôn Đông, một người chín nhớ mười mong một người”; rồi đến giận dỗi trách móc người yêu: “Cớ sao bên ấy chẳng sang bên này?”, “Có xa xôi mấy mà tình xa xôi”.
Theo lẽ thường trong tình cảm, người con trai thường là người chủ động tìm đến người con gái còn ở đây chàng trai lại ngược lại, ngồi chờ đợi người con gái của mình. Sự chờ đợi được chàng trai ví von bằng sự thay đổi của thời gian: “Ngày qua ngày lại qua ngày – Lá xanh nhuộm đã thành cây lá vàng” thời tiết đã đổi mùa, cảnh vật đã thay đổi nhưng chàng trai vẫn đợi sự đáp lại của người con gái; sự chờ đợi, chung tình của chàng trai vẫn còn vẹn nguyên.
Không những thế chàng trai còn mơ tưởng đến ngày bến gặp đò, hoa khuê các gặp bướm giang hồ gặp nhau. Sự mong mỏi ấy đã khiến chàng trai phải thốt lên đến bao giờ mới thành sự thực.
Cuối cùng chàng trai lại quay trở lại câu hỏi tu từ: “thôn Đoài ngồi nhớ thôn Đông – Cau thôn Đoài nhớ trầu không thôn nào”.
Sự nhớ nhung của chàng trai đã in đậm trên tất cả các phương diện, trong tất cả các cung bậc cảm xúc. Nỗi nhớ ấy kéo dài từ đầu đến cuối bài thơ, chuyển từ trạng thái này sang trạng thái khác: nhớ nhung tha thiết – trách cứ hờn dỗi – mộng tưởng, khát khao và quay trở lại là nỗi nhớ tha thiết. Vậy nhưng tình cảm của chàng trai vẫn chưa được đáp lại.

Câu 2. Theo anh chị, cách bày tỏ tình yêu, giọng điệu thơ, cách so sánh, ví von,… ở bài này có những điểm gì đáng lưu ý?
Cách bày tỏ tình yêu của chàng trai có chút lạ lùng nhưng cũng vô cùng khéo léo, tinh tế và tha thiết chân thành.
Giọng điệu thơ vừa chân tình, nhẹ nhàng lại có lúc như nỉ non, than trách cô gái vô tình, không hiểu đến tấm lòng của chàng trai.
Cách so sánh ví von với những hình ảnh chân phương, đậm chất dân giã, bình dị, gắn liền với cuộc sống của người dân. Chất liệu của bài thơ đậm màu sắc dân gian: thôn Đoài, thôn Đông, trầu cau, bến đò khiến cho bài thơ đọc lên vô cùng thân thuộc, gắn liền với cuộc sống của người dân, một bức thư tình mà như có cả một bức tranh phong cảnh bên trong.
Câu 3. Hoài Thanh cho rằng, trong thơ Nguyễn Bính có “hồn xưa của đất nước”. Qua bài Tương tư, anh chị có đồng ý với nhận xét đó không? Vì sao?
Nhà phê bình Hoài Thanh đã hoàn toàn đúng đắn khi cho rằng trong thơ của tác giả Nguyễn Bính có hồn thơ của đất nước.
Hồn thơ của đất nước ấy được thể hiện qua những hình ảnh ngôn ngữ và giọng điệu của bài thơ. Cách sử dụng thể thơ lục bát là thể thơ truyền thống mang đậm phong vị dân tộc. Thêm vào đó các hình ảnh xuất hiện là những hình ảnh làng quê quen thuộc gắn liền với cuộc sống của người nông dân. Giọng điệu thơ có lúc hờn dỗi, than trách có lúc như nũng nịu, bổi hổi tất cả đều cho thấy những đặc tính quen thuộc gắn liền với tính cách và cuộc sống của người dân. Cách bày tỏ của chàng trai cũng ý nhị khéo léo giống cách bày tỏ của người xưa “Bây giờ mận mới hỏi đào – Vườn hồng đã có ai vào hay chưa”.
Đọc thơ của tác giả Nguyễn Bính người đọc như thấy những hình ảnh dân gian có hồn xưa của dân tộc ở bên trong những vần thơ mà như những lời ca tiếng hát bình dị dễ đi vào lòng người đọc.
>> XEM THÊM: Phân Tích Bài Thơ Tương Tư