Đề bài: Soạn bài Khi con tu hú của Tố Hữu
Bài làm
Câu 1. Nên hiểu nhan đề bài thơ như thế nào? Hãy viết một câu văn có bốn chữ đầu là “Khi con tu hú” để tóm tắt nội dung bài thơ. Vì sao tiếng tu hú kêu lại tác động mạnh mẽ đến tâm hồn nhà thơ như vậy?
Nhan đề bài thơ như một lời báo hiệu vào nội dung của tác phẩm, cũng là lời giới thiệu về mùa hè sắp tới. Chim tu hú là con vật báo hiệu mùa hè. Tiếng tu hú kêu khiến con người cảm thấy rạo rực, náo nức; gợi lên sự tự do, những hoạt động sôi nổi bên ngoài.
Quả thật, tiếng chim tu hú đã mở đầu bài thơ với nội dung báo hiệu một mùa hè lại bắt đầu đến và nhà thơ, một người tù cách mạng cảm thấy khát khao hơn bao giờ hết được thoát khỏi cảnh tù đày, tình trạng giam cầm, ngột ngạt của mình.
Tiếng tú hú có tác động mạnh mẽ đến tâm hồn của nhà thơ vì nó gợi liên tưởng đến mùa hè sôi nổi, tràn đầy nhựa sống, rực rỡ sắc màu, âm thanh, hương vị. Chính vì vậy, tiếng tu hú đã khiến cho nhà thơ cảm thấy vô cùng trẻ trung, yêu đời, yêu tự do, mong muốn được ra ngoài để thực hiện những lí tưởng cách mạng lớn lao, cao đẹp.
Câu 2. Nhận xét về cảnh mùa hè được miêu tả trong 6 câu thơ đầu. Những chi tiết nào khiến em có nhận xét đó?
Mùa hè được gợi mở ngay từ 6 câu thơ đầu tiên:
“Khi con tu hú gọi bầy
Lúa chiêm đang chín trái cây ngọt dần
Vườn râm dậy tiếng ve ngân
Bắp rây vàng hạt đầy sân nắng đào
Trời xanh càng rộng càng cao
Đôi con diều sáo lộn nhào từng không…”
Cảnh mùa hè trong bài hiện lên sống động, đầy sắc màu, điều đó được miêu tả với hình ảnh cây lá, chim muông, rực rỡ những hình ảnh cây cối: lúa chiêm bước vào vụ chín, bắp rây cũng bắt đầu chín. Không chỉ cây cối mà còn có âm thanh: tiếng ve kêu, bầu trời trong xanh hơn, diều sáo được thả nhiều hơn. Tác giả dường như không phải đang ở trong tù mà đang trải nghiệm cuộc sống sinh động bên ngoài, một cuộc sống tươi đẹp, dào dạt sức sống.
Câu 3. Phân tích tâm trạng người tù – chiến sĩ dược thể hiện ở 4 câu thơ cuối. Mở đầu và kết thúc bài thơ đều có tiếng tu hú kêu, nhưng tâm trạng của người tù khi nghe tiếng tu hú ở đoạn thơ dấu và đoạn thơ cuối rất khác nhau, vì sao?
“Ta nghe hè dậy bên lòng
Mà chân muốn đạp tan phòng, hè ôi.
Ngột làm sao, chết uất thôi
Con chim tu hú ngoài trời cứ kêu!”
Trong bối cảnh mùa hè sôi động, đầy sức sống ấy, tác giả cảm thấy rộn rạo trong lòng, muốn đến với bầu trời rộng lớn mênh mông bên ngoài. Bối cảnh trong nhà tù trái ngược hoàn toàn so với cuộc sống sinh động, mênh mông bất tận bên ngoài. Người tù cảm thấy đau khổ, bức bối, muốn thoát ra cảnh tù ngục tăm tối này để hòa mình vào thiên nhiên đất trời. Tác giả đã sử dụng động từ mạnh mẽ “đạp tan phòng”, những từ cảm thán “ôi”, “sao”, “chết uất thôi”, càng lột tả rõ ràng tâm trạng bức bối và những cảm giác ngột ngạt, trầm cảm của người tù khi đau khổ vì bị giam cầm.
Câu 4. Theo em, cái hay của bài thơ được thể hiện nổi bật ở những điểm nào?
Bài thơ có rất nhiều điểm đặc sắc, độc đáo được thể hiện qua ngôn ngữ và hình ảnh thơ. “Tiếng chim tu hú” cũng là một hình ảnh độc đáo để mở đầu bài thơ, khơi nguồn cảm xúc của tác giả. Tiếng chim tu hú là đại diện cho cuộc sống bên ngoài tự do, bay bổng, là điểm tựa, chất xúc tác để người tù liên tưởng tới cuộc sống tự do.
Nội dung của bài thơ cũng được phân thành hai đoạn rõ ràng, đoạn đầu tả khung cảnh bầu trời tươi đẹp và đoạn thơ sau là tâm trạng của nhà thơ, khát khao được ra ngoài hòa nhập với cuộc sống.