Wed, 04 / 2018 3:26 pm | thuylinh

Đề bài: Hướng Dẫn Soạn Bài Hạnh Phúc Của Một Tang Gia Trích Số Đỏ Của Vũ Trọng Phụng

Bài Làm

Câu 1. Hạnh phúc của một tang gia là một phần của nhan đề chương XV tiểu thuyết Số đỏ do chính Vũ Trọng Phụng đặt. Anh chị có suy nghĩ gì về nhan đề này và tình huống trào phúng của đoạn trích?

Nhan đề “Hạnh phúc của một tang gia” có sự đối lập, trào phúng. Nó gợi cho người đọc cảm giác tò mò, gây sự chú ý đồng thời thể hiện một nghịch lý của gia đình trong truyện: họ hạnh phúc và sung sướng khi trong nhà có tang.

Tình huống trào phúng trong đoạn trích cũng chính là nội dung mà nhan đề đã nêu. Trong nhà có tang thì theo lẽ thường con cháu phải đau buồn, tiếc thương. Nhưng ở đây tất cả các thành viên trong gia đình đều lấy đó làm hạnh phúc, mừng rỡ. Họ coi đám tang là một cơ hội để thực hiện những ước muốn, sở thích của bản thân họ. Cái gia đình hết sức văn minh trong một xã hội hết sức thượng lưu đó là phải dùng đám tang làm nền tảng để phô bày, trưng diện những thứ hạnh phúc của mỗi cá nhân.

Câu 2. Vì sao cái chết của cụ cố tổ lại là niềm “hạnh phúc” của mọi thành viên trong đại gia đình cụ? Phân tích những niềm hạnh phúc khác nhau của mỗi người trong đại gia đình của cụ cố Hồng và những người đến đưa dám ma do cái chết của cụ cố tổ đem lại.

Loading...

Cái chết của cụ cổ tổ là niềm hạnh phúc của mọi thành viên trong gia đình bởi từ lâu chúng đã mong chờ cái chết của cụ để mỗi người có thể được hưởng một món gia sản, chưa kể thêm vào đó, đây sẽ là cơ hội cho rất nhiều sự việc thú vị mà mỗi cá nhân trong gia đình của cụ chuẩn bị phô ra.

Niềm hạnh phúc của mỗi cá nhân trong gia đình và những người đến đưa đám vô cùng đa dạng, khác biệt:

Cụ cố Hồng mơ màng nghĩ đến cảnh mình mặc đồ xô gai chống gậy ho lụ khụ để thiên hạ bình phẩm ngợi khen và cụ được trở thành người già nhất, vai vế nhất trong gia đình.

Bà cố thì hạnh phúc vì đây là cơ hội khoe ra cái giàu có, thanh thế của gia đình, cái thịnh soạn của một đám tang.

Ông cháu nội Văn Minh thì mừng rỡ vì cái chúc thư chính thức đưa vào thời kỳ thực hành. Ông sẽ được hưởng gia sản mà không phải là trên giấy tờ nữa.

Bà Văn Minh thì mừng vì đây là cơ hội quảng bá sản phẩm của cửa hiệu Âu hóa.

Cô cháu gái Tuyết thì mừng vì đây là dịp để khoe sự trinh trắng của mình, khoe cơ thể qua những bộ cánh mốt nhất, tân thời nhất.

Cậu Tú Tân thì mừng vì đây là cơ hội tác nghiệp có một không hai của bản thân.

Ông cháu rể Phán Mọc sừng thì mừng vì cái sự thật mọc sừng của mình đã làm cho một người tức giận và uất ức đến chết. Vậy là cái sừng của ông được rất nhiều người biết đến.

Những bậc trưởng bối đến đưa tang thì mừng vì có cơ hội khoe huân huy chương, thành tích của cá nhân.

Đám trẻ đưa tang thì hạnh phúc vì có cơ hội chim chuột, hẹn hò, tình tứ nhau.

Mỗi người đều có một hạnh phúc riêng tư nên đám tang trở thành một cơ hội tuyệt vời hơn bao giờ hết.

Soan-bai-Hanh-phuc-cua-mot-tang-gia2

Câu 3. Anh chị hãy phân tích cảnh “đám ma gương mẫu”.

Khung cảnh đám ma: nhộn nhịp, tấp nập, ai ai cũng hớn hở, kèn kiệu tây ta bát cống lẫn lộn. Vòng hoa nhiều, rôm rả, người chụp hình tấp nập; đám rước cứ đi, cứ đi cứ đi một cách linh đình, trang trọng, phô trương và nổi trội; đám ma như một đám rước.

Người đưa đám: tất cả mọi người đi đưa đám như đi trình diễn thời trang, ngay cả cô Tuyết có buồn thì cái buồn đó cũng là buồn lãng mạn khi không thấy người yêu. Ai cũng coi đây là cơ hội báu bở để khoe ra thể hiện ra một điều gì đó của bản thân.

Một đám ma mà gương mẫu cả về quy mô, quy trình thủ tục đưa đám, cất huyệt lại có cái sự đặc biệt đến từ đông đảo những người đưa đã trở nên vô cùng đặc biệt trong tác phẩm.

Câu 4. Từ niềm hạnh phúc của các nhân vật do cái chết của cụ cố tổ đem lại và cảnh tượng của cái “đám ma gương mẫu”, anh chị có nhận xét như thế nào về xã hội thượng lưu thành thị đương thời? Thái độ của nhà văn đối với xã hội này ra sao?

Qua niềm hạnh phúc của các nhân vật và cảnh tượng đám ma có thể thấy được một bộ mặt xã hội thượng lưu vô cùng thối nát, giả tạo, bịp bợm. Xã hội ấy thượng lưu ở chỗ nó làm tha hóa mọi bản chất tốt đẹp trong tâm hồn và nhân cách con người. Chỉ có cô cháu gái ngoan hiền thương ông thật sự thì lại là cô cháu gái ở dưới quê chất phác bình dị. Xã hội thượng lưu là nơi mà mọi giá trị đạo đức tha hóa, nhân phẩm con người đồi bại, lố lăng. Qua đây nhà văn đã bộc lộ thái độ khinh thường, chán ghét với xã hội này, họ chỉ biết đến tiền, đến uy quyền danh vọng mà không biết đến tình người.

Câu 5. Anh chị nhận xét gì về nghệ thuật trào phúng của Vũ Trọng Phụng ở đoạn trích này?

Nghệ thuật trào phúng đầu tiên đến từ nhan đề và tình huống truyện. Tất cả sự trình bày và diễn xuất của mỗi nhân vật đều hoàn hảo, khéo léo. Họ đã thể hiện những niềm hạnh phúc một cách rất văn minh, rất thượng lưu trong bối cảnh một cái đám ma mà ở đó một bậc trưởng bối, một con người đáng lẽ phải là điểm tựa tinh thần của cả gia đình đã ra đi.

Ngôn ngữ trong truyện mang đậm tính chất trào phúng, đối lập, giọng điệu mỉa mai, sâu cay. Điều này cho thấy thái độ của tác giả đối với tấn hài kịch trong truyện, với bản chất xã hội này là khinh thường, ghét bỏ, là không chấp nhận những thói dối trá, bịp bợm những hào nhoáng che lấp tình người.

Hàng loạt thủ pháp được sử dụng: bút pháp cường điệu, nói ngược, điệp từ… ngòi bút của tác giả linh hoạt, biến hóa, đậm chất hài hước, gây cười và vô cùng sắc sảo tinh tế khiến cho tác phẩm “Hạnh phúc của một tang gia” nói riêng và tác phẩm “Số đỏ” nói chung trở thành một tác phẩm xuất sắc hàng đầu của nghệ thuật truyện trào phúng.

>> XEM THÊM: Nghệ Thuật Trào Phúng Của Hạnh Phúc Của Một Tang Gia

>> XEM THÊM: Phân Tích Đoạn Trích Hạnh Phúc Của Một Tang Gia

Loading...
Spread the love
Bài viết cùng chuyên mục