Đề bài: Soạn bài Đọc Tiểu Thanh kí
Bài làm
Câu 1. Vì sao Nguyễn Du lại đồng cảm với số phận của Tiểu Thanh?
Tiểu Thanh là người con gái có sắc có tài, nàng không những có một vẻ đẹp khiến nhiều người con trai say đắm mà còn có khả năng thơ phú văn chương. Thế nhưng chữ tài đi với chữ tai một vần, cuộc đời tài sắc của nàng lại vô cùng đa đoan, chuân chuyên. Tiểu Thanh phải đi làm vợ lẽ một viên quan, bị người vợ cả ghen tuông, vùi dập, bị đày ra một nơi xa xôi, hẻo lánh. Sau khi chết đi, các tác phẩm của nàng lại bị đốt, bị thiêu hủy. Số phận của nàng là số phận của một người con gái hẩm hiu, nghiệt ngã. Nàng có cuộc đời đầy bi kịch bởi nàng là một người con gái không có tiếng nói trong xã hội, có tài nhưng bạc mệnh. Chính bi kịch ấy của nàng đã khiến cho Nguyễn Du cảm thông sâu sắc, trân trọng và rất sẻ chia đối với số phận của nàng.
Câu 2. Câu “Nỗi hờn kim cổ trời khôn hỏi” có nghĩa gì? Nỗi hờn (hận) ở đây là gì? Tại sao tác giả cho là không thể hỏi trời được?
Nỗi hờn kim cổ trời khôn hỏi có ý nghĩa chỉ sự oan khuất, số phận bất công nghiệt ngã của những con người như nàng Tiểu Thanh chỉ có trời mới thấu. Những oan khuất cùng sự bi ai của nàng chẳng biết hỏi ai, cũng chẳng thể hỏi ai, chỉ biết than trời. Trời sẽ làm chứng cho cho những đắng cay, bi ai của nàng. Câu nói cũng giống như một sự trách móc nhẹ nhàng với những bất công của ông trời với nhiều số phận tài hoa bạc mệnh trong thiên hạ. Rõ ràng, những con người tài hoa thì thường bạc mệnh, nàng Tiểu Thanh chỉ là một trong số rất nhiều con người có sắc có tài nhưng vận mệnh lại hẩm hiu, phải chịu nhiều cay đắng.
Nỗi hận ở đây là sự oán trách, sự thắc mắc đối với cuộc đời và những định kiến xã hội nhiều bất công ngang trái đã đẩy những người con gái vào những hoàn cảnh đầy bi thương, phẫn uất. Tác giả cho rằng nỗi hận ấy không thể hỏi trời được bởi trời đâu có thấu, nếu trời thấu thì đâu còn những bất công ấy.
Câu 3. Nguyễn Du thương xót và đồng cảm với người phụ nữ có tài văn chương mà bất hạnh. Điều đó nói gì về tấm lòng của nhà thơ?
Xưa nay nhà thơ Nguyễn Du luôn có tấm lòng thương xót và đồng cảm với thân phận người phụ nữ có tài văn chương mà bất hạnh, không chỉ nàng Tiểu Thanh, cách viết của ông về nàng Thúy Kiều, Đạm Tiên cũng đã nói lên điều này. Chính sự cảm thông ấy đã cho thấy ông là một người có lòng nhân ái, bao dung, có cái nhìn tân tiến và công bằng với các số phận trong xã hội. Nguyễn Du luôn có một niềm thương cảm, đồng cảm sâu sắc đối với những con người phải chịu nhiều bất công trong xã hội đặc biệt là số phận của những người phụ nữ và những con người tài hoa. Ông tiếc thương cho những tác phẩm bị đốt bỏ của Tiểu Thanh, ông trân trọng những giá trị nghệ thuật, văn chương của nhân loại. Ông có một tấm lòng bao dung độ lượng với con người và có một niềm yêu thích trân quý những giá trị văn chương nghệ thuật trong cuộc sống.
Câu 4. Phân tích vai trò của mỗi đoạn thơ (đề, thực, luận, kết) đối với chủ đề toàn bài.
Hai câu đề là hai câu thơ tập trung tả cảnh ở Hồ Tây, Chiết Giang, Hàng Châu, Trung Quốc. Từ quang cảnh ấy người đọc có thể hình dung ra được số phận con người gắn với cảnh đẹp hữu tình và gợi ra nhiều suy ngẫm về hoàn cảnh con người ở đây.
Hai câu thực đã nói lên những suy nghĩ của nhà thơ về số phận bất hạnh của nàng Tiểu Thanh. Vẻ đẹp và tài năng của nàng cũng được nhà thơ khéo léo miêu tả trong đoạn này.
Hai câu thơ luận đã nêu lên những suy nghĩ của nhà thơ về số phận bất hạnh, bạc bẽo những người tài hoa nhưng bạc mệnh mà đại diện là Tiểu Thanh.
Hai câu kết là tâm sự, nỗi lòng của nhà thơ khi chua chát nghĩ đến sự đồng cảm, thương xót của người đời sau đối với chính mình.