Đề bài: So sánh vẻ đẹp của thiên nhiên trong các bài thơ Tràng giang và Đây thôn Vĩ Dạ
Bài làm
Tả cảnh thiên nhiên đất nước Việt Nam, trong thơ ca có rất nhiều tác phẩm xuất sắc của nhiều nhà thơ: Nguyễn Đình Thi, Nguyễn Bính, Tố Hữu… và không thể không kể đến Huy Cận và Hàn Mặc Tử. Mỗi nhà thơ đều có cách nhìn nhận và miêu tả riêng nhưng thông qua các tác phẩm của mình, họ đều cho người đọc thấy được hình ảnh thiên nhiên đất nước vô cùng tươi đẹp, màu sắc và rất riêng biệt. Ta có thể tìm hiểu điều đó thông qua hai tác phẩm Tràng giang và Đây thôn Vĩ Dạ.
Thiên nhiên trong bài thơ Tràng giang là cảnh tượng kì vĩ, sắc nét nhưng đượm nỗi buồn của một buổi chiều tà. Đó là cảnh vật dòng sông dài với những hiện tượng, sự vật xung quanh. Nhà thơ đứng trước dòng sông bất tận cảm thấy bản thân thật nhỏ bé, cô đơn, lạc lõng trước thiên nhiên vạn vật. Tác giả sử dụng những hình ảnh tượng trưng quen thuộc trong thơ đường: con thuyền, dòng nước, bầu trời, bến đò, mây núi,… Chính những hình ảnh này đã tạo nên một bức tranh đậm nét cổ kính, trầm lặng của cảnh vật. Đồng thời nhà thơ cũng đan xen vào đó những bút pháp và cách miêu tả hiện đại khiến cho bài thơ vừa mang một nét riêng vừa cho thấy một phong cách rất Huy Cận. Thông qua ngòi bút của ông, cảnh vật hiện lên vừa mênh mông vừa hùng vĩ nhưng lại bao trùm nét hiu quạnh.
Cũng với màu sắc buồn man mác ấy nhưng nhà thơ Hàn Mặc Tử lại có cách miêu tả rất riêng về cảnh vật xứ Huế trong Đây thôn Vĩ Dạ. Bắt đầu bài thơ, nhà thơ đã tả cảnh ánh nắng tươi mới lung linh như nhảy múa trên những miệt vườn xanh mướt, mơn mởn của người dân Huế. Cảnh vật ấy cho thấy một sự xanh tươi mơn mởn đầy sức sống nhờ có bàn tay chăm sóc của con người. Thế nhưng ở khổ thơ sau trở đi, nhà thơ lại chuyển sang miêu tả cảnh vật với một nét buồn man mác bao trùm, thậm chí có đôi lúc nó không còn là man mác mà chuyển sang buồn day dứt đau thương. Thể hiện điều đó chính là sự chia lìa của cảnh vật với: “Gió theo lối gió, mây đường mây – Dòng nước buồn thiu, hoa bắp lay”. Hàn Mặc Tử cũng sử dụng những hình ảnh tượng trưng thường thấy trong thơ ca là trăng, thuyền, bến sông, con đò. Đó là một cảnh tượng đầy cảm xúc trong một đêm trăng ven sông. Dù là cảnh buồn nhưng thiên nhiên vẫn hiện lên vô cùng ấn tượng, lóng lánh ánh sáng của vầng trăng in trên mặt sông.
Cả hai nhà thơ Huy Cận và Hàn Mặc Tử đều sử dụng những hình ảnh biểu tượng quen thuộc và miêu tả thiên nhiên với tâm trạng buồn thương bao trùm. Thế nhưng cái cách nhìn và cảm nhận khung cảnh thiên nhiên của họ vẫn là cách nhìn đa chiều, đa dạng, đầy cảm xúc, nó cho thấy một sự thấu hiểu và yêu thương của các nhà thơ với cảnh vật, thiên nhiên nơi họ từng chứng kiến, chiêm ngưỡng. Thông qua sự kết hợp giữa bút pháp cổ điển và hiện đại, cách tả cảnh ngụ tình của Huy Cận, người đọc có thể thấy được sự mênh mang, vẻ đẹp cô kính của dòng sông và nhịp sống trầm lặng của làng xa. Còn ở Đây thôn Vĩ Dạ, tác giả Hàn Mặc Tử lại tận dụng tối đa thủ pháp đặt câu hỏi tu từ, sử dụng nhiều tính từ, động từ, các màu sắc để khiến cho người đọc mường tượng được lên cảnh đẹp của những miệt vườn xanh tươi, trù phú, những con người duyên dáng, hiền lành của đất Huế. Rất nhiều độc giả khi đọc xong bài thơ đã rất tò mò về Vĩ Dạ, muốn được một lần đặt chân lên xứ Huế ngắm nhìn phong cảnh và trò chuyện cùng con người Huế, đó là một thành công mà không phải tác giả nào cũng làm được.
Để miêu tả được như vậy, hẳn hai tác giả phải vô cùng nặng lòng với quê hương đất nước, phải có cái nhìn tinh tế và trìu mến để miêu tả cảnh vật với những hình ảnh và trạng thái sinh động, ấn tượng nhất như vậy. Từ đây, mỗi người đọc càng cảm thấy thêm yêu thương, quý trọng hơn nữa từng cảnh vật, từng mảnh đất trên mọi miền của Tổ quốc hơn.