Sun, 08 / 2018 3:59 pm | thuylinh

Đề bài: So sánh nhân vật Mị trong tác phẩm Vợ chồng A Phủ với người đàn bà làng chài trong tác phẩm Chiếc thuyền ngoài xa

Bài làm

Khi nhắc đến số phận người phụ nữ trong văn học Việt Nam, đó thường là những số phận bất hạnh, cam chịu và phải chịu nhiều thiệt thòi. Họ không có tiếng nói, không được coi trọng và phải sống phụ thuộc rất nhiều vào hoàn cảnh. Có thể thấy được điều đó qua nhân vật Mỵ trong tác phẩm Vợ chồng A Phủ của nhà văn Tô Hoài và nhân vật người đàn bà hàng chài trong tác phẩm Chiếc thuyền ngoài xa của nhà văn Nguyễn Minh Châu.

Cả Mỵ và người đàn bà hàng chài đều là những người phụ nữ chăm chỉ, khéo léo, biết đối nhân xử thế. Cuộc sống của họ vô cùng bất hạnh trong cái gia đình của mình. Một người phải chịu cảnh tra tấn hành hạ về tinh thần còn một người lại bị tra tấn nhiều về thể xác. Mỵ phải chịu kiếp sống nô lệ, không bằng con trâu con ngựa cho nhà thống lí. Cô chịu sự hành hạ cả về tâm hồn và thể chất. Cô bị giam cầm trong ngục tù của chế độ. Cô không có tiếng nói trong gia đình, mang tiếng là con dâu trong nhà nhưng còn không bằng một người ở. Cô không có quyền lên tiếng huống hồ nói ra chính kiến của mình. Cô cũng không được hành động theo ý mình, không cả được đi chơi trong ngày Tết, tối ngày chỉ chăm chăm phụng sự cung dưỡng cho nhà chồng, hầu hạ chồng. Họ bảo gì cô phải nghe theo, làm theo. Thực chất thì từ khi về làm dâu nhà thống lí, đã bao giờ Mỵ được sống cho mình, sống theo ý mình đâu.

 

so sánh nhân vật mị với người đàn bà hàng chài

Loading...

Người đàn bà hàng chài dù cũng chịu sự bạo hành về tinh thần nhưng với chị, sự bạo hành về thể xác vẫn lớn hơn. Sự bạo hành đó đến từ chính người chồng đã có với chị mấy mặt con. Vậy nhưng vì cuộc sống khó khăn, vì gánh nặng cơm áo gạo tiền mà chị phải chịu ba ngày một trận nhẹ, năm ngày một trận nặng. Người chồng đánh đập chị tàn bạo, không những vậy còn không ngừng chửi rủa, đay nghiến chị. Anh ta đánh đập một cách hết sức tàn nhẫn như rút cả thắt lưng ra rồi quật tới tấp vào người vợ. Phải gánh chịu một cuộc sống đau khổ như vậy nhưng người đàn bà hàng chài lại không thể li hôn. Lí do đã được chị giải thích với Phùng và Đẩu khi hai người cố sức khuyên chị nên li hôn. Kì thực, chị là người rất chu đáo, thấu tình đạt lí. Chị rất am hiểu và cam chịu số phận này là bởi chị biết một khi li hôn, hoàn cảnh sẽ còn tệ hại hơn nữa, mọi sự việc sẽ không còn là sự đánh đập đổ lên một mình người chị mà đó sẽ là thảm cảnh với cả gia đình, không những vậy, khi không li hôn thì gia đình còn có lúc được sống trong cảnh đầm ấm, thuận hòa. Đây là người phụ nữ giàu đức hi sinh, biết lo toan cho gia đình và rất độ lượng, vị tha, hội tụ đầy đủ những phẩm chất tốt đẹp của một người vợ, một người mẹ.

Cả hai người phụ nữ đều có số phận vô cùng bất hạnh, phải chịu sự tra tấn, bạo hành cả về tinh thần và thể xác. Hai người phụ nữ này là đại diện của biết bao số phận có hoàn cảnh tương tự trong cùng thời đại, cùng môi trường mà họ đang sống. Thế nhưng họ cũng là những con người nhân ái, biết hi sinh, họ luôn khát khao hạnh phúc và vươn tới hạnh phúc. Mỵ thì cuối cùng đã hành động, đã giải thoát bản thân để cùng A Phủ trốn tới Phiềng Sa tìm một cuộc sống mới. Còn người đàn bà hàng chài cũng lựa chọn không li hôn với chồng đề giữ gìn mái ấm, chăm lo cho con cái, cho gia đình có cuộc sống yên ổn.

Dù là hành động theo phương thức nào thì qua đây người đọc cũng thấy được những nỗi bi ai và cay đắng trong cuộc đời của người phụ nữ xưa. Đó đồng thời là tiếng nói lên án những hủ tục phong kiến cùng việc mở ra cho người đọc thấy được nhiều phát hiện mới mẻ trong cuộc sống. Từ đó, con người có những cách nhìn nhận đúng đắn hơn về cuộc đời, về số phận con người, đặc biệt là những người phụ nữ.

>>> XEM THÊM : 

Loading...
Spread the love
Bài viết cùng chuyên mục