Sat, 08 / 2018 4:00 pm | thuylinh

Đề bài: So sánh kết thúc truyện Chữ người tử tù (Nguyễn Tuân) và Vĩnh biệt Cửu Trùng Đài (Nguyễn Huy Tưởng)

Bài làm

Nếu như nhà văn Nguyễn Tuân đã tạo ra được một kiệt tác trong kho tàng tác phẩm của mình là Chữ người tử tù với nội dung ca ngợi cái đẹp thì với nhà văn Nguyễn Huy Tưởng, tác phẩm đã làm nên điều đó chính là Vĩnh biệt Cửu Trùng Đài. Cả hai tác phẩm cùng là tiếng nói, quan điểm về cái đẹp, về nghệ thuật trong cuộc sống, tuy nhiên cách kết thúc của hai truyện lại hoàn toàn khác nhau.

Chữ người tử tù kết thúc bằng việc Huấn Cao đồng ý cho chữ viên Quản ngục và dành những lời khuyên chân tình nhất cho ông. Bối cảnh cho chữ mới thật đặc biệt, người cho chữ là người tù đang đợi ngày tử hình. Cả người ông phải đeo gông cùm nhưng ông đứng trong tư thế thẳng đứng, vững vàng, uy phong là tư thế của một người anh hùng chiến thắng. Còn người xin chữ ở đây là viên quản, ông là người quyền lực nắm trong tay quyền cai quản cả nhà tù. Viên quản ngục đại diện cho cả chế độ phong kiến, bộ máy quan lại lúc này lại cúi rạp người, khẩn thiết, rúm ró. Sự hoán đổi vị trí, oai nghiêm của cả hai con người này minh chứng một điều rằng cái đẹp đã chiến thắng. Dù là trong hoàn cảnh đề lao tăm tối, giữa lúc ánh sáng chỉ có thể đến từ cây đèn dầu tù mù thì những con chữ vuông vắn đầy hoài bão vẫn toát lên tất cả vẻ đẹp và sự uy nghiêm của mình. Vậy là cái đẹp cuối cùng đã chiến thắng, tính thiện lương vẫn được ca ngợi, được đề cao coi trọng. Viên quản sau khi nghe lời khuyên bảo chân tình của Huấn Cao về việc bỏ chốn quan trường mà tìm về chốn thanh bạch để ở đã dập đầu xin bái lĩnh. Bản chất tốt đẹp trong con người của chính quản ngục cũng đã chiến thắng, đó cũng là cái hoàn mĩ, cái toàn vẹn mà nhà văn Nguyễn Tuân theo đuổi và muốn làm nổi bật.

 

so sánh kết thúc truyện chữ người tử tù và vĩnh biệt cửu trùng đài

Loading...

Vĩnh biệt Cửu Trùng Đài thì không như vậy. Vở kịch kết thúc bằng việc Vũ Như Tô bị giết, Đan Thiềm cũng chết và Cửu Trùng Đài thì bị phá bỏ. Một sự tận diệt đối với cả nghệ thuật và người làm ra cái đẹp. Vũ Như Tô là một con người tài năng. Người như ông Đan Thiềm cũng từng nhận định rõ ràng rằng trăm năm có một. Đây là con người sống vì nghệ thuật, hết mình về nghệ thuật. Ông có đam mê, có sáng tạo, ông có ý tưởng để làm nên những công trình vĩ đại, sánh tựa tạo hóa. Nhưng chỉ vì ông xa rời thực tế, chưa gắn bó nghệ thuật với cuộc sống nhân dân nên đã vô tình vì công trình nghệ thuật của mình mà đẩy người dân vào bước đường cùng. Cuối cùng sự phẫn nộ của người dân đã rơi vào chính ông cùng công trình của mình. Cửu Trùng Đài là thành quả, là công sức, là mồ hôi xương máu của biết bao con người, là nguồn lực của dân tộc. Dù nó phục vụ cho bọn quan lại thì điều đó cũng không thể làm giảm đi cái giá trị kiến trúc, nghệ thuật mà nó mang lại. Chính vì vậy việc phá bỏ đi Cửu Trùng Đài quả là một tổn thất to lớn, một sự đuổi cùng giết tận, ra tay đạp bỏ đi chính công trình mà họ đã phải hi sinh để có được. Cũng không thể trách được người dân bởi họ đã quá khổ, chính họ bị áp bức, bị hành hạ cũng chính bởi công trình này. Còn cái chết của cung nữ Đan Thiềm là cái chết của một con người tinh tường, yêu cái đẹp, biết nhìn nhận coi trọng cái đẹp và người sáng tạo ra nó. Tác phẩm đã khép lại với sự day dứt, tiếc nuối của người đọc khi một công trình thế kỉ và một người kiến trúc sư vĩ đại của nhân loại lại đều bị triệt hạ.

Cùng tôn vinh cái đẹp, bày tỏ sự ngưỡng mộ và coi trọng cái đẹp, người làm ra cái đẹp nhưng cuối cùng hai tác phẩm lại có cách kết thúc theo chiều hướng hoàn toàn khác biệt. Nhưng điều đó không hề làm giảm đi giá trị của hai tác phẩm mà lại làm cho mỗi tác phẩm mang một màu sắc riêng ấn tượng, độc đáo và phù hợp với mạch cảm xúc, nội dung cùng cốt truyện.

>>> XEM THÊM : 

Loading...
Spread the love
Bài viết cùng chuyên mục