Đề bài: So sánh ánh sáng và bóng tối giữa Hai đứa trẻ và Chữ người tử tù
Bài làm
Trong số các truyện ngắn đặc sắc của văn học Việt Nam, có hai câu chuyện mà ở đó hình ảnh bóng tối và ánh sáng xuất hiện rất nhiều lần, tương phản với nhau rõ rệt đó là Hai đứa trẻ của nhà văn Thạch Lam và Chữ người tử tù của nhà văn Nguyễn Tuân. Ở mỗi truyện, hình ảnh ánh sáng và bóng tối lại mang những ý nghĩa riêng biệt và góp phần làm nổi bật lên những nét độc đáo của tác phẩm.
Bóng tối trong tác phẩm Hai đứa trẻ là màu sắc chủ đạo, bao trùm cả câu chuyện, hình ảnh buổi chiều tà và bóng đêm được nhắc đến với tần suất dày đặc. Cũng chính bởi vậy mà khi đọc tác phẩm này người đọc luôn có một nỗi ám ảnh về cuộc sống của những người dân phố huyện, những số phận lặng lẽ ở đây. Bóng tối góp phần thể hiện cuộc đời tăm tối, u uất của họ, của gánh hàng mẹ con chị Tí, của gánh phở bác Siêu, của bà cụ Thi điên và của cả gia đình nhà bác Xẩm. Cuộc sống của họ ở đây cũng nghèo nàn xác xơ và buồn tẻ như cái màn đêm ở đây vậy. Họ lầm lũi kiếm ăn trong bóng tối, lầm lũi sống trong màn đêm những mong có thêm được chút gì cho cuộc sống nghèo nàn của mình. Họ cũng giống chị em Liên và An, luôn chờ đợi một điều gì mới mẻ đến với cuộc sống của mình. Còn trong Chữ người tử tù, bóng tối cũng là hình ảnh bao trùm. Bóng tối chính là bối cảnh của nhà tù phong kiến, bóng tối ấy là thế lực của cường quyền, của quan lại, của sức mạnh quyền thế. Bóng tối ấy cũng giống như bối cảnh xã hội đương thời, thối nát và nhiều vấn đề, những người anh hùng chọc trời quấy nước như Huấn Cao thì cuối cùng lại chịu án tử hình. Bóng tối ở đây quả thật là một thế lực ác đang dần thống trị, xâm chiếm cả câu chuyện, cả nhân vật. Ngay cả những hành động khéo léo của những con người lương thiện, yêu cái đẹp như viên quản ngục, thầy thơ lại cũng phải thực hiện trong bóng tối với một sự rụt rè e sợ.
Đối ngược với bóng tối là ánh sáng, tuy xuất hiện ít hơn, ngắn ngủi hơn nhưng ánh sáng ở cả hai tác phẩm lại có sức mạnh và tầm ảnh hưởng vô cùng to lớn. Trong hai đứa trẻ, ánh sáng được khắc họa nhiều thông qua hình ảnh đoàn tàu. Con tàu đến mang theo một sự rực rỡ, lung lung, sáng bừng cả một vùng đất. Ánh sáng ấy đến từ đèn điện sáng trưng trên các toa tàu, ánh sáng ấy còn đi cùng âm thanh huyên náo và những con người nhộn nhịp, nhịp sống rộn ràng. Ánh sáng dù chỉ xuất hiện chớp nhoáng nhưng nó soi rọi cả tâm hồn chị em Liên, soi rọi tâm hồn những người dân phố huyện. Ánh sáng đó là sự mong chờ, ước mong của Liên và An về một cuộc sống mới, về sự sung túc đủ đầy, về nhịp sống huyên náo nhộn nhịp và tươi vui, về một sự đổi khác đối với tất cả mọi người. Ánh sáng trong Chữ người tử tù là ánh sáng đến từ ngọn đèn dầu mà viên thơ lại và quản ngục soi cho người tù Huấn Cao viết chữ. Ánh sáng ấy tuy đơn độc lẻ loi mà chiếu rọi cả một vùng, làm sáng lên những con chữ vuông vắn nói lên hoài bão của cả một đời người. Trên nền ánh sáng này, cái đẹp, cái tài năng, thiện lương trở thành vĩnh cửu, thành tượng đài bất diệt còn cái ác, cái xấu xa thì phải cúi đầu, bị khuất lấp. Ánh sáng góp phần làm nổi bật nội dung con người sáng tạo ra cái đẹp đã chiến thắng, cái đẹp vẫn luôn trường tồn.
Trong cả hai câu chuyện, ánh sáng đều chỉ xuất hiện trong thoáng chốc rồi vụt tắt, thế nhưng dư âm và những ý nghĩa mà nó mang lại thì rất lớn lao. Nó đem đến cho con người những niềm vui, niềm hi vọng, sự tin tưởng trong tâm hồn. Thông qua ánh sáng cả hai nhà văn cùng đem đến một cái kết không quả bi thương, tăm tối cho cuộc đời của những nhân vật và quan trọng hơn, nó đã thể hiện được những tư tưởng chủ đề của tác phẩm và cho thấy cái tài hoa trong cách viết của Thạch Lam và Nguyễn Tuân.
>>> XEM THÊM :
-
so sánh chữ người tử tù và người lái đò sông đà
-
so sánh kết thúc truyện chữ người tử tù và vĩnh biệt cửu trùng đài
-
so sánh hình ảnh đoàn quân tây tiến và việt bắc