Đề bài: Phân Tích Tình Huống Truyện Độc Đáo Trong Vợ Nhặt Của Kim Lân
Bài Làm
Trong các tác phẩm văn học lớn thường có những tình huống truyện vô cùng độc đáo gây ấn tượng sâu sắc với người đọc và mang lại giá trị văn học lớn lao. Chẳng hạn tác phẩm Chữ người tử tù của nhà văn Nguyễn Tuân có tình huống cho chữ của Huấn Cao và người Quản giáo; trong tác phẩm Vợ chồng A Phủ đó là tình huống cô Mỵ muốn đi chơi xuân, cô Mỵ cởi trói cho A Phủ; trong tác phẩm Chiếc thuyền ngoài xa đó là tình huống bị đánh của người đàn bà hàng chai và tình huống khi nghệ sỹ Phùng muốn giải cứu cho chị; còn trong tác phẩm Vợ nhặt của nhà văn Kim Lân, tình huống ấy lại là chính cái tình huống mà tên truyện đã nêu ra: tình huống nhặt vợ.
>> XEM THÊM: Phân Tích Nhân Vật Bà Cụ Tứ
>> XEM THÊM: Phân Tích Nhân Vật Người Vợ Nhặt
Ở tác phẩm Vợ nhặt, nhà văn Kim Lân đã kể ra một sự bất bình thường, một sự việc hết sức lạ lùng đó là tình huống anh cu Tràng nhặt được một người vợ.
Người ta có thể nhặt được rất nhiều thứ, kể cả những thứ có giá trị to lớn nhưng nhặt được vợ thì quả là rất hiếm hoi. Nhưng tình huống lạ này lại không hề vô lí bởi tác giả đã đặt nó vào bối cảnh nạn đói năm 1945 (được tái hiện ở đầu truyện), lúc này miếng ăn quý như vàng và ngược lại, tính mạng con người lại rẻ rúng, bèo bọt như cỏ rác mà người ta có thể nhặt được ở mọi nơi. Anh cu Tràng trong truyện mỗi ngày xe thóc Liên đoàn vất vả cực nhọc mà tiền kiếm chẳng đủ ăn, ấy vậy mà một ngày anh đã nhặt được một “món” vô cùng to tát, vô cùng hiếm hoi, ấy là cả một người vợ. Và điều đáng nói là trong tình huống ấy, tất cả các nhân vật đều hết sức bình thường, họ có tính cách riêng, có những suy nghĩ từng trải vậy mà giữa họ vẫn diễn ra cái màn kịch ngộ nghĩnh hết sức, họ đưa nhau vè giữa cái ngày đói quay đói quắt, đói không có miếng gì để ăn.

Đây là một tình huống truyện vô cùng lạ lùng, nhưng ngoài lạ lùng nhà văn còn thuật lại nó là một tình huống vô cùng trớ trêu. Nó trớ true bởi người ta nhặt được vợ trong cái hoàn cảnh có một không hai, trước sự ngạc nhiên và ngỡ ngàng với tất cả những nhân vật trong và ngoài cuộc: với Tràng, với bà cụ Tứ và đối với cả xóm ngụ cư.
Đối vói xóm ngụ cư: Trước hết họ rất lạ, họ ngạc nhiên vì một anh cu Tràng thô kệch, xấu xí, rất nghèo lại là dân ngụ cư rất khó để có thể lấy vợ; ấy thế mà hôm nay lại có vợ theo không và ngay sau đó họ lại thấy rất khó xử, không biết nên mừng hay nên lo, nên buồn hay nên vui. Khi người ta thấy anh cu Tràng dắt người vợ nhặt về, người ta dòm ngó, xì xào bàn tán. Cũng phải thôi, một anh Tràng thường ngày vẫn khờ khạo, lủi thủi một mình nay giữa cái thời buổi mà người ta còn không cả có miếng cơm bỏ vào miệng nuôi thân thì anh lại rước vợ về.
Đối với nhân vật bà cụ Tứ, bà rất ngạc nhiên nhưng ngay sau đó thì bà khóc vì mừng thì ít mà tủi thì nhiều. Anh cu Tràng đã đặt bà vào một tình huống vô cùng bất ngờ (tình huống ấy anh cũng không hề biết trước) đó là đùng một ngày trước mặt bà xuất hiện một cô con dâu mà bà thậm chí còn chưa từng một lần nhìn thấy, chưa biết cả cái tên cái họ, cái quê quán xuất thân của thị. Ấy thế nhưng phản ứng của bà trước sự việc cũng lại vô cùng bất ngờ, bà chấp nhận, đón nhận nó và thậm chí còn lấy làm mừng, tự an ủi rằng thôi thì cái thời buổi cơ sự này người ta mới lấy đến con mình rồi con mình mới có được vợ.
Đặc biệt hơn nữa là chính anh cu Tràng cũng ngạc nhiên (Đến bây giờ hắn vẫn còn ngờ ngợ như không phải thế. Thế ra hắn đã có vợ rồi đấy ư?) và chính anh cũng không khỏi lo lắng. Cả hai lần anh gặp thị anh đều thực sự không có tâm tính, bụng dạ sẽ tán tỉnh thị nói chi đến việc hỏi cưới thị. Tình huống thứ nhất là anh bông đùa mấy chị con gái đi kéo xe bò. Tình huống thứ hai là anh buột miệng trêu thị về cùng. Lời nói đãi môi ấy người con gái thừa hiểu nhưng thị vẫn theo anh. Điều ấy làm anh cũng sợ, cũng sửng sốt, đến anh chắc gì đã nuôi nổi bản thân mà còn đèo bòng. Đây cũng là một điều lạ lùng của tác phẩm, đến nhân vật chính của câu chuyện, đến bản thân người trong cuộc, người trực tiếp làm nên vấn đề nhưng cũng phải bối rối và bất ngờ trước sự việc xảy đến và rồi sau đó anh cũng chặc lưỡi mà kệ. Lúc ấy, anh hoàn toàn có thể phủi tay buông bỏ, có thể dập tắt hy vọng của thị bằng việc giải thích anh chỉ nói đùa nhưng anh đã không hề nói vậy. Anh chỉ nghĩ đến một tương lai tươi sáng, vẫn hào phóng dùng chai dầu cho đêm tân hôn và sẵn sàng nghĩ đến một ngày khi anh nổi dậy trong đám người đi phá kho thóc Nhật.
Tóm lại qua tên truyện và những tình huống truyện nhà văn đã tạo ra được nét độc đáo và từ đó truyện cuốn hút người đọc. Đây là thành công bước đầu về nghệ thuật viết truyện ngắn của Kim Lân. Qua từng nhân vật, từng chi tiết nhà văn đã khiến cho tác phẩm bật lên những giá trị nhân văn sâu sắc đồng thời bày tỏ cái nhìn cảm thông và thương yêu của mình đến những người nông dân nghèo khó nhưng giàu tình thương yêu.
>> XEM THÊM: Phân Tích Truyện Ngắn Vợ Nhặt
>> XEM THÊM: Phân Tích Nhân Vật Tràng
>> XEM THÊM: phân tích giá trị nhân đạo của vợ nhặt