Fri, 03 / 2018 4:19 pm | thuylinh

Đề bài: Phân Tích Đoạn Thơ Những Đường Việt Bắc Của Ta Đến Vui Lên Việt Bắc Đèo De Núi Hồng

Bài Làm

Chín năm kháng chiến chống Pháp của quân và dân ta là một thời kỳ kháng chiến trường kỳ, gian khổ nhưng đầy hào hùng, vẻ vang. Chín năm ấy, để làm nên được những kỳ tích ấy, biết bao thăng trầm cùng khó khăn đã đến với quân và dân ta, đến với cả vùng chiến khu nơi đặt bộ máy đầu não của cách mạng – chiến khu Việt Bắc. Sau khi hòa bình lập lại năm 1954, cả chiến khu dời căn cứ địa Việt Bắc về lại Hà Nội, dù ra đi phấn khởi nhưng trong lòng mỗi người lính khi ấy, chiến khu Việt Bắc đã trở thành một quê hương, một nỗi nhớ không thể tách rời. Có thể thấy được điều đó qua tập thơ Việt Bắc của nhà thơ Tố Hữu.

>> XEM THÊM: Phân Tích Bài Thơ Việt Bắc

Bài thơ Việt Bắc không chỉ là một bản trường ca hào hùng thuật lại những ngày kháng chiến gian khổ nhưng vẻ vang của chiến khu Việt Bắc mà qua đó còn cho thấy tình cảm của con người, đặc biệt là tác giả đối với căn cứ địa, với cách mạng và với cả dân tộc Việt Nam. Trong bài thơ có đoạn tác giả viết:

“Những đường Việt Bắc của ta

Loading...

Đêm đêm rầm rập như lá đất rung

Quân đi điệp điệp trùng trùng

Ánh sao đầu súng bạn cùng mũ nan.

Dân công đỏ đuốc từng đoàn

Dấu chân nát đá muôn tàn lửa bay.

Nghìn đêm thăm thẳm sương dày

Đèn pha bật sáng như ngày mai lên.

Tin vui chiến thắng trăm miền

Hòa Bình, Tây Bắc, Điện Biên vui về

Vui từ Đồng Tháp, An Khê

Vui lên Việt Bắc đèo De, núi Hồng”

nhung duong viet bac cua ta
Phân Tích Đoạn Thơ Những Đường Việt Bắc Của Ta Đến Đèo De Núi Hồng

Đoạn thơ mở đầu bằng hình ảnh những người lính trên đường hành quân: “Những đường Việt Bắc của ta – Đêm đêm rầm rập như lá đất rung – Quân đi điệp điệp trùng trùng – Ánh sao đầu súng bạn cùng mũ nan”. Với địa hình đồi núi phức tạp, gập ghềnh, phương tiện thì thô sơ, chiến khu Việt Bắc ngày xưa đâu có những con đường lát đá, sỏi như của ngày nay. Ấy thế nhưng, những con đường đó vẫn đêm đêm gánh những đoàn quân khí thế hừng hực của ta ra nơi chiến trường. Tính từ “rầm rập” làm hiện lên cái khí thế và sức mạnh của đoàn quân máu đỏ da vàng, dù chúng ta tương quan lực lượng còn yếu thế hơn địch, vũ khí trang thiết bị thô sơ lạc hậu thế nhưng cái sức mạnh từ những bước chân rầm rập như luôn mang trong mình thế chủ động, lấn tới trước kẻ thù, đó là sức mạnh cũng là lòng tự hào của cả dân và quân ta. Và quả thật hình ảnh sau đó “quân đi điệp điệp trùng trùng” như là một minh chứng cho lời tác giả nói. Đoàn quân của chúng ta tiến tới với một sức mạnh và lòng quyết tâm phi thường. Hình ảnh trùng điệp của đoàn quân tưởng như hình ảnh sừng sững của những ngọn núi đồi, vững chãi và uy nghi. Bên cạnh đó sự trùng điệp đó cũng biểu hiện cho một sức mạnh đoàn kết, gắn bó khăng khít. Bởi vì đoàn kết nên mới tạo nên những lớp sóng trùng điệp ấy.

Trong đoàn quân như vậy vẫn ánh lên ánh sáng của ngôi sao đầu súng. Ngôi sao này phải chăng là ngôi sao trên mũ nan của những người lính. Là ánh sáng soi rọi cho đường hành quân của mỗi người chiến sỹ cách mạng.

Những người lính, những đoàn quân thì hành quân trùng trùng điệp điệp, còn những lớp dân công thì sao. Họ cũng đêm đêm làm việc không ngừng nghỉ. Hết đoàn này lại đến đoàn khác, họ làm việc dưới những bó đuốc sáng bừng, những bước chân cũng mạnh mẽ và hăm hở không thua gì các đoàn quân. Nhờ sự vất vả đêm ngày, sự kiên trì đồng lòng “đỏ đuốc từng đoàn” của những người dân quân mà những con đường đã được khơi thông, đảm bảo cho những cuộc hành binh, di chuyển của những người lính ra chiến trường. Mấy năm trời ròng rã không kể nắng mưa, sương gió nhưng cuối cùng thì ánh sáng đã đến với họ, đó là ánh sáng của ngày mai tươi đẹp. Từ láy “thăm thẳm” mang tính tượng hình sâu sắc, nó cho thấy quá trình làm việc của dân công là triền miên, là kéo dài dằng dặc không ngừng nghỉ, điều này càng làm tôn lên vẻ đẹp kiên cường bất khuất, bền gan bền chí của họ để làm nên một ngày mai bật sáng.

Cũng nhờ có sự làm việc không mỏi mệt, không nghỉ ngơi ấy của những đoàn dân công; sự đoàn kết, dũng cảm của những người lính và toàn thể đồng bào dân tộc ta mà cuối cùng chiến thắng đã về tay ta. Thắng lợi ấy được lan tỏa và sẻ chia với toàn thể dân tộc từ khắp mọi miền đất nước. Từ những miền núi tới đồng bằng, từ miền xuôi tới miến ngược, từ trong Nam đến ngoài Bắc và hơn hất, niềm vui ấy cũng hân hoan không kém tại chiến khu Việt Bắc. Điệp từ “vui” được sử dụng một loạt lại một lần nữa gợi tính tượng hình, nó gợi hình ảnh niềm vui như những lớp sóng ngoài biển khơi, trùng điệp, lớp này đè lên lớp khác, và trào lên trong lòng tác giả. Ở nơi chiến khu Việt Bắc, những người chiến sỹ vẫn đang ngày đêm chờ mong thì giờ đây đã được thỏa mãn. Hình ảnh đèo De núi Hồng cũng vui chung một cảm xúc cho thấy chiến thắng về trên vạn vật đất trời, chiến thắng ấy hiển hiện trong cả những cây cỏ, núi đồi nơi căn cứ địa của cách mạng, cả đất nước hòa chung một niềm vui dân tộc.

Chỉ với một đoạn thơ ngắn ngủi nhưng Tố Hữu đã lột tả được sự dũng mãnh cùng sức lực hùng mạnh và khí thế trăm người như một của quân ta trong chiến khu. Chính những điều đó đã làm cho nhà thơ dù về Hà Nội nhưng lòng vẫn ngập tràn nhớ thương và in đậm từng hình ảnh của cuộc kháng chiến.

Nhà thơ Tố Hữu được mệnh danh là người viết lịch sử bằng thơ. Những vần thơ lục bát của ông đọc lên như những câu ca dao dân ca, vừa sâu sắc, ý nghĩa lại vừa thấm đượm tình người, đi vào lòng người đọc. Bên cạnh đó, bút pháp liệt kê, sử dụng hàng loạt từ láy càng làm cho những vần thơ thêm nhịp nhàng, sôi động. Quả thật Việt Bắc đúng là một bản sử ca mà như một tác phẩm nghệ thuật đầy chất nhạc, chất họa và thấm đượm cái tình.

>> XEM THÊM: phân tích 8 câu đầu bài việt bắc

>> XEM THÊM: Cảm Nhận Đoạn 3 Bài Thơ Việt Bắc

Loading...
Spread the love
Bài viết cùng chuyên mục