Sun, 04 / 2018 3:56 pm | thuylinh

Đề bài: Phân Tích Bài Thơ Cảm Xúc Mùa Thu Lớp 10 (Thu Hứng) Của Đỗ Phủ

Bài Làm

Thi nhân Đỗ Phủ là một trong những nhà thơ được người dân Trung Quốc mọi thời đại vô cùng mến mộ, cuộc đời và sự nghiệp thơ ca của ông cho đến nay vẫn là đề tài bất tận cho văn học Trung Quốc. Các tác phẩm của thi nhân vừa mang đậm cái phong vị của thơ đường luật Trung Quốc lại vừa có cái văn phong, cái tình riêng của tác giả. Để thấy được điều đó, người đọc có thể tìm hiểu qua bài thơ Thu hứng (Cảm xúc mùa thu).

Bài thơ Thu hứng được viết trong bối cảnh đất nước Trung Quốc vừa trải qua thời kỳ loạn lạc của loạn An Lạc Sơn, nhiều người dân, vị trai tráng cư sỹ đều phải lưu lạc rồi sống ẩn dật ở nhiều nơi. Nhà thơ Đỗ Phủ dù trong cuộc sống lưu lạc, nghèo khổ và đau thương nhưng vẫn một lòng nhớ về quê hương của mình.

“Ngọc lộ điêu thương phong thụ lâm,

Vu sơn, Vu giáp khí tiêu sâm”.

Loading...

(Lác đác rừng phong hạt móc sa,

Ngàn non hiu hắt, khí thu lòa).

Hai câu thơ đầu, tác giả đã sử dụng bút pháp miêu tả tượng trưng để nói về cảnh thu trong cảnh rừng núi. Thu về trên những cánh rừng phong đượm màu. Cây phong là một loài cây được trồng nhiều ở những cánh rừng của đất nước Trung Quốc, cứ đến mùa thu đông, lá phong lại chuyển dần sang màu đỏ vàng và rụng xuống kín các lối đi. Thời điểm lá phong rụng trong những màn sương bảng lảng càng khiến cho cảnh vật đượm một màu sương thu. Trong bối cảnh ấy, cả một vùng núi mênh mông, hoang vu càng trở nên có chiều sâu. Trong bản dịch thơ của Nguyễn Công Trứ, nhiều ý thơ vẫn chưa lột tả được hết những điều đó nhưng vẫn cho người đọc hình dung được cảnh tượng hùng vỹ của núi non đất trời mà hiu hắt buồn tẻ trong khí thu.

“Giang gian ba làng kiêm thiên dũng,

Tái thượng phong vân tiếp địa âm”.

(Lưng trời sóng rợn lòng sông thẳm,

Mặt đất mây đùn cửa ải xa).

Hai câu thơ đầu là khung cảnh mùa thu được tác giả nhìn nhận ở trên mặt đất, trong cánh rừng, còn ở hai câu thơ tiếp theo, khung cảnh mùa thu lại được cảm nhận qua không gian và trải rộng về phương xa. Đó là bầu trời rộng lớn, là con sông sâu thẳm mênh mông và mặt đất sương giăng kín lối. Hình ảnh những đám mây ùn ùn kéo lên trắng muốt như khỏa lấp hết cả đường chân trời, kéo lên che mờ mặt đất đã khiến cho đất trời càng thêm mù mịt. Như vậy mùa thu đã về và ngập tràn đất trời cảnh vật núi rừng. Mùa thu là chất xúc tác cho biết bao nguồn cảm hứng và những tình cảm dạt dào trong lòng con người trong đó có nỗi nhớ nhà, nhớ quê hương làng xóm của nhà thơ.

phan tich bai tho cam xuc mua thu
Phân Tích Bài Thơ Cảm Xúc Mùa Thu Lớp 10 (Thu Hứng) Của Đỗ Phủ

“Tùng cúc lưỡng khai tha nhật lệ

Cô chu nhất hệ cố viên tâm.”

(Khóm cúc tuôn thêm dòng lệ cũ,

Con thuyền buộc chặt mối tình nhà.)

Trong thi ca Việt Nam, nhà thơ Nguyễn Du cũng từng dùng hình ảnh hoa cúc để nói về mùa thu “Sen tàn cúc lại nở hoa – Sầu dài ngày ngắn đông đà sang xuân”. Hoa cúc là loài hoa tượng trưng cho mùa thu, cũng là một trong những biểu tượng của thơ ca “tùng – cúc – trúc – mai” trong thơ Đỗ Phủ, hình ảnh ấy đã được tận dụng để nói về cái nét sầu bi ảm đạm của mùa thu. Mùa thu buồn và day dứt đến nỗi khiến khóm cúc cũng phải tuôn dòng lệ. Trong bối cảnh ấy có một con thuyền đơn độc và thủy chung hướng về phía xa khiến nhà thơ càng gợi nhớ nỗi nhớ nhà. Cả cuộc đời của thi nhân Đỗ Phủ phải sống trong cảnh nghèo khó, cơ cực, cuộc sống lúc nào cũng thiếu thốn thế nhưng tâm hồn của nhà thơ thì vẫn luôn thấm đượm tình người, luôn dạt dào cảm xúc. Trong bối cảnh đơn độc tha phương, lưu lạc nhà thơ vẫn mòn mỏn nhớ hoài về quê hương xứ sở của mình. Nhìn con thuyền mà lòng càng thêm day dứt bồi hồi trong nỗi nhớ nhà, ước vọng con thuyền đó chính là sợi dây kết nối đưa nhà thơ trở về với quê nhà của mình.

“Hàn y xứ xứ thồi đao xích,

Bạch Đế thành cao cấp mộ châm.”

(Lạnh lùng giục kẻ tay dao thước,

Thành Bạch, chày vang bóng ác tà).

Trong bối cảnh cô độc, lẻ loi nơi xa xôi cách trở những gì mà nhà thơ nhìn thấy chỉ là những cảnh tượng giết chóc, đau thương. Nó là cái hiện thực xã hội loạn lạc, bè lũ cướp bóc, phản động, là tình cảnh người dân bị trên đe dưới búa, sống dưới nhiều tầng xiềng xích. Tại nơi mà nhà thơ đang sống đây, việc bóng chiều đổ xuống càng khiến cho những cảm xúc của nhà thơ thêm day dứt buồn thương. Buổi chiều buông xuống cùng với tiếng chày giặt đồ bên bờ sông như từng tiếng kêu vang về sự thống khổ của người dân và nói lên tội ác của quân tà đạo.

Đúng với tên gọi Thu hứng, bài thơ đã nói lên nỗi niềm cảm xúc của nhà thơ trước khung cảnh thiên nhiên vạn vật đất trời khi bước sang thu. Mùa thu ấy đã được tác giả miêu tả triệt để từ không gian tới thời gian, trong độ cao và chiều sâu, trong cái tĩnh và cái động, giữa những hình ảnh chỉ mang tính biểu tượng và các hình ảnh thực tại về hành động của con người. Qua đó, người đọc có thể thấy được tâm trạng buồn thương, day dứt của người thi nhân trước thực tại và nỗi nhớ cháy bỏng của ông với quê nhà. Tác phẩm là một bài sử ca vừa phản ánh lịch sử lại cho thấy văn phong và những cái tôi riêng trong các sáng tác của nhà thơ Đỗ Phủ, một nhà thơ, một bức tượng đài của nền văn học Trung Hoa xưa và nay.

>> XEM THÊM: Soạn Bài Cảm Xúc Mùa Thu

Loading...
Spread the love
Bài viết cùng chuyên mục