Đề bài: Anh Đi Anh Nhớ Quê Nhà Nhớ Canh Rau Muống Nhớ Cà Dầm Tương Nhớ ai dãi nắng dầm sương Nhớ ai tát nước bên đường hôm nao
Bài Làm
Trong dân gian xưa, người con trai và người con gái khi bày tỏ tình cảm với nhau thường rất kín đáo và khéo léo. Mượn thơ ca để bày tỏ cảm xúc của mình đồng thời cũng cho thấy tình yêu với quê hương đất nước có câu ca dao “Anh đi anh nhớ quê nhà – Nhớ canh rau muống nhớ cà dầm tương” vẫn luôn là câu nói chân chất dạt dào được người người sử dụng.
Câu ca dao có thể hiểu theo hai lớp nghĩa. Ở lớp nghĩa thứ nhất là hình ảnh người con trai ẩn danh nói về tình cảm của mình dành cho cô gái. Chàng trai đã mượn nỗi nhớ quê hương để bày tỏ nỗi nhớ với người con gái. Sở dĩ chàng trai khi đi xa nhớ về quê nhà là bởi vì ở đây có người con gái anh thương. Nỗi nhớ ấy được ẩn dụ qua những hình ảnh thân thuộc như canh rau muống và cà dầm tương là những món ăn dân giã hàng ngày mà cô gái vẫn làm cho chàng trai.
Bày tỏ nỗi nhớ của mình nhưng không nói trực tiếp mà lại khéo léo nhớ những món ăn do bàn tay người con gái làm ra. Cách bày tỏ thường được các chàng trai mượn những hình ảnh rất thân thuộc và hình tượng để gửi tới người con gái “Bây giờ mận mới hỏi đào – Vườn hồng đã có ai vào hay chưa”. Cách thể hiện tình cảm cho thấy sự tinh tế, nhạy cảm của những chàng trai và cô gái. Cách diễn đạt nỗi nhớ thương vô cùng ý nhị nhẹ nhàng mà lại chân chất. Chàng trai cho thấy mình là một người vô cùng mộc mạc, chân phương với đức tính thủy chung son sắt với những điều giản dị gắn bó bên mình.

Cũng có thể hiểu câu thơ theo lớp nghĩa thứ hai, đó là tình yêu và nỗi nhớ quê hương đất nước mãnh liệt của chàng trai. Nỗi nhớ ấy gắn liền với những điều giản dị thân thương nhất trong cuộc sống nghèo khó của con người. “Quê hương là chùm khế ngọt – Cho con trèo hái mỗi ngày”. Quê hương đất nước thường được con người so sánh với những điều đơn giản và thân thuộc nhất. Con người sống gian khổ khi ở xa lại không hề thèm muốn sơn hào hải vị, không mơ về những thứ cao sang thịnh soạn mà chỉ chăm chăm hướng về nơi chôn rau cắt rốn với rau muống và cà dầm tương vốn là những món ăn vẫn xuất hiện trên mâm cơm mỗi ngày của các gia đình. Những tình cảm thương nhớ ấy càng làm tôn lên vẻ đẹp thuần hậu, chất phác của người con trai. Người ta ngỡ rằng con người thường chỉ ham vinh hoa phú quý, thường chạy theo cao lương mỹ vị, gấm vóc lụa là nhưng hóa ra tất cả nỗi nhớ, tấm lòng của con người ở xa chỉ là mâm cơm nhà bình dân mộc mạc mà ở đó có gia đình, có quê hương, đất nước. Lớp nghĩa thứ hai này phổ biến và được ứng dụng nhiều hơn. Cho đến ngày hôm nay, nó vẫn được dùng để biểu đạt cảm xúc khi con người đi xa nhớ về quê nhà của mình. Quê hương đất nước mãi mãi là những giá trị thiêng liêng không gì có thể thay thế được.
Câu ca dao không chỉ cho thấy tình cảm mặn mà, bình dị của con người mà qua đó cũng cho người đọc thấy được hình ảnh cuộc sống chân phương của những người nông dân Việt Nam xưa. Đất nước ấy, dù còn nghèo và nhiều khó khăn nhưng có những con người giàu tình cảm, biết yêu thương và gắn bó với những gì họ có.
>> XEM THÊM: Thân em như hạt mưa sa