Đề bài: “Người chê ta mà chê phải là thầy của ta, người khen ta mà khen phải là bạn ta, những kẻ vuốt ve nịnh bợ ta chính là kẻ thù của ta vậy” (Tuân Tử). Ý kiến của anh (chị) về câu nói trên.
Bài làm
Tuân Tử có câu: “Người chê ta mà chê phải là thầy của ta, người khen ta mà khen phải là bạn ta, những kẻ vuốt ve nịnh bợ ta chính là kẻ thù của ta vậy”. Đây là một nhận định đúng đắn giúp con người nhận định rõ ràng về thái độ, đối xử của những người xung quanh mỗi chúng ta.
“Người chê ta mà chê phải là thầy của ta”, vế nói có ý nghĩa những người chê trách, phê bình chúng ta mà nói đúng sự thực thì đó xứng đáng là những người ta coi làm thầy. Bởi họ là những người giỏi hơn ta, có cái nhìn sâu rộng, hiểu biết hơn ta. Họ nhìn ra được những lỗi sai của ta và còn khẳng khái chỉ ra lỗi sai đó để ta khắc phục. Đó là một sự phê bình khiển trách mang tính tích cực. Phải rất quan tâm và có ý tốt thì họ mới nói để ta tiến bộ hơn. Bạn cứ thử nghĩ xem, nếu người ta biết thừa bạn sai, biết bạn dốt nhưng vẫn mặc kệ bạn thì những lỗi sai của bạn sẽ còn tiếp tục và bạn sẽ khó mà khá lên được. Thế nên, càng là những người giỏi giang, am hiểu sẵn sàng chỉ dạy ta thì ta càng phải tôn trọng, học hỏi ở họ.
“Người khen ta mà khen phải là bạn ta”, vế nói này hướng tới những con người thân thiết, vui vẻ, sẵn sàng khen ngợi chúng ta khi chúng ta làm đúng, làm được một việc tốt. Đây là một sự tuyên dương, động viên nhằm khích lệ ta đồng thời công nhận những thành tích mà ta đạt được. Sự động viên ấy vừa giúp ta vui vẻ lại khiến ta có thêm nghị lực, niềm vui để cố gắng hơn nữa. Những người luôn quan tâm, ngợi khen những điều tốt đẹp của ta là những người xứng đáng để ta coi trọng, thân thiết như những người bạn. Họ đều mong muốn ta được vui vẻ, luôn dành cho ta những lời lẽ khích lệ, cổ vũ lớn lao.
“Những kẻ vuốt ve nịnh bợ ta chính là kẻ thù của ta vậy”, những kẻ vuốt ve nịnh bợ ta là những người chỉ xu nịnh, chỉ tâng bốc ta nhằm mục đích làm lợi cho họ. Họ nịnh bợ ta vì ta có lợi cho họ, họ không quan tâm đến việc điều đó có ảnh hưởng thế nào đối với ta. Nếu ở cùng với những người chuyên nịnh bợ ta sẽ khiến cho ta trở nên ảo tưởng về bản thân, dễ nảy sinh tính kiêu căng tự phụ, huênh hoang, tự đại. Ta phải coi những người này là kẻ thù của mình bởi vì chung sống với họ sẽ khiến ta trở nên xấu xa, luôn lầm tưởng về bản thân mình, do đó những tật xấu, những cái dốt càng nghiêm trọng. Và những kẻ như vậy thì khi ta khó khăn, hoạn nạn, lúc ta cần sự sẻ chia họ có thể sẵn sàng quay lưng.
Nhận định trên đã cho con người một bài học sâu sắc, tinh tế trong việc nhìn nhận và đánh giá những người ở quanh mình. Từ đó hãy biết chọn bạn mà chơi, biết người nào đối với ta là thật lòng, là tử tế; người nào xứng đáng để ta coi là thầy, là bạn ta. Ngược lại, hãy biết phòng tránh với những kẻ thù chỉ lăm le nịnh hót ta nhằm làm lợi cho họ. Những kẻ như vậy ta nên tránh xa để tránh khiến bản thân rơi vào vũng bùn ảo tưởng khó lòng tiến bộ.
Đây cũng là bài học để ta đối xử với những người xung quanh mình. Hãy thật lòng và giúp đỡ mọi người hết mình. Điều gì người khác không đúng, không phải thì góp ý để họ tiến bộ hơn, điều gì họ làm đúng thì nên khen ngợi để họ phát huy và tuyệt đối không nên xu nịnh người khác để kiếm lợi cho bản thân.
>>>XEM THÊM :
-
Học để biết, học để làm, học để chung sống, học để tự khẳng định mình
- Nghị Luận Xã Hội Về Tình Thương Của Con Người
- Dân tộc ta chủ yếu sống bằng tình thương