Đề bài: Nghị luận xã hội về lòng hiếu thảo
Bài làm
“Con người có tổ có tông – Như cây có cội như sông có nguồn”. Đã từ lâu, kính trên nhường dưới, hiếu thuận với ông bà cha mẹ chính là một bài học đạo đức đầu đời của mỗi con người từ khi sinh ra. Là con người, phải có lòng hiếu thảo, hiếu thuận đối với những bậc sinh thành ra mình, là một người con ngoan trò giỏi ở nhà, ngoài xã hội.
Lòng hiếu thảo là sự kính lễ, tôn trọng, yêu quý của những người làm con cháu đối với ông bà, cha mẹ của mình. Lòng hiếu thảo phải được thể hiện bằng cả ngôn từ và hành động của mỗi người. Trong cách ăn nói, bậc con cháu trong nhà phải sử dụng kính ngữ, gọi dạ bảo vâng, dùng câu đầy đủ các thành phần chủ vị (không nói trống không) đối với người lớn. Ăn nói lễ phép, không tỏ thái độ xấc xược, hỗn hào đối với ông bà cha mẹ. Không vênh váo mà phải biết tiếp thu, biết lắng nghe và từ đó rút kinh nghiệm cho bản thân mình. Trong hành động, lòng hiếu thảo phải được thể hiện bằng việc có những đồ ăn ngon phải mời người lớn trước, phải nhường nhịn, sẻ chia những điều tốt đẹp cho cha mẹ, ông bà của mình. Con cháu không được làm những điều gì có lỗi với ông bà cha mẹ, sống ngay thẳng, có đạo đức theo lời dạy dỗ của ông bà cha mẹ. Trong bữa ăn luôn gắp mời cha mẹ miếng ngon, những khi vui vẻ, hạnh phúc, có đồ ăn ngon, quần áo đẹp luôn luôn nghĩ đến cha mẹ. Quan tâm chu đáo, săn sóc ông bà cha mẹ.
Lòng hiếu thảo là một truyền thống đạo đức tốt đẹp đã có từ ngàn đời nay của dân tộc ta. Trong gia đình, bố mẹ luôn dạy ta phải kính trên nhường dưới, uống nước nhớ nguồn, phải biết phân biệt trên dưới, lớn bé để đối nhân xử thế. Vì lòng hiếu thảo nên khi xưa đất nước ta còn có những tục lệ như cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy, lời cha mẹ như thánh chỉ. Con cái nghe lời cha mẹ không phải vì sợ mà vì lòng hiếu thảo ấy. Nàng Kiều trong truyện Kiều của Nguyễn Du cũng vì cứu cha và em trai mà phải bán mình vào lầu xanh. Khi ở trong lầu rồi nàng vẫn ngóng trông, lo lắng cho cha mẹ ở nhà “Quạt nồng áp lạnh những ai đó giờ”, lo lắng cha mẹ ngày nóng có ai quạt cho không, mùa đông lạnh lẽo có ai nằm cho ấm chỗ chưa. Lòng hiếu thảo cũng xuất hiện trong những câu ca dao tục ngữ, có dáng dấp trong những câu chuyện cổ tích: Tích Chu, Cây vú sữa,…
Nếu con người sống bội bạc, không có tính hiếu thuận, không biết ơn ông bà cha mẹ, đó chắc chắn sẽ là người không ra gì. Những con người sống không có tình nghĩa, không biết trên dưới, biết ơn những người đã sinh thành, nuôi nấng, dưỡng dục ta là những con người vô cảm vô tâm, không biết đến những giá trị đạo đức tốt đẹp của dân tộc. Những người như vậy rồi cũng bị xã hội khinh khi, ghét bỏ, không có ai ở bên bảo vệ và những người không hiếu thảo thì thường cũng là những người không có những đức tính tốt đẹp khác trong tâm hồn.
Hiếu thảo là một trong những bài học đầu đời của mỗi con người, cô giáo mỗi khi dạy các em thơ những bài học đầu tiên cũng là dạy các em biết chào hỏi, biết mời nước, mời tăm ông bà cha mẹ. Lòng hiếu thảo khiến cho tình cảm gia đình, tình nghĩa con người thêm gắn bó keo sơn, đó cũng là một tinh thần đáng quý của dân tộc ta. Là những học sinh, mỗi bạn chúng em càng phải khắc ghi hơn nữa bài học hiếu thảo kính yêu, nghe lời ông bà cha mẹ. Trân trọng từng phút giây gia đình bên nhau, phấn đấu trở thành người con khiến cha mẹ được tự hào.
>>>XEM THÊM :
- Trình bày suy nghĩ của anh/chị về thái độ lạc quan trong cuộc sống
- Trong vũ trụ có lắm kì quan, nhưng kỳ quan đẹp nhất là trái tim người mẹ