Đề bài: Nghị luận về truyền thống tôn sư trọng đạo
Bài làm
Người xưa có câu “Công cha, nghĩa mẹ, ơn thầy” nói về ân tình và ơn nghĩa của người thầy đối với mỗi người học trò. Yêu thương, kính trọng thầy cô giáo từ xa xưa đã là một truyền thống đạo đức của dân tộc ta, điều này đã được đúc kết qua câu thành ngữ “tôn sư trọng đạo” vốn rất quen thuộc với các thế hệ học sinh của dân tộc.
“Tôn sư” là sự tôn kính, kính trọng và nể phục đối với người thầy của mình. “Nhất tự vi sư, bán tự vi sư”, người dậy ta một con chữ cũng là thầy ta, người dậy ta nửa con chữ cũng vẫn là thầy ta, ta phải biết tôn kính những người đã cho ta con chữ, truyền đạt, giảng dạy cho ta đạo lí, nhân nghĩa ở đời. “Trọng đạo” là sự coi trọng, trân quý những kiến thức, đạo lí được truyền dạy. Những gì mà thầy cô truyền đạt lại cho học sinh là những kiến thức và kinh nghiệm được tổng kết, trau dồi và chắt lọc từ quá trình học tập và những chiêm nghiệm của người thầy. Do đó, học sinh phải biết học cách kính trọng tri thức, văn hóa, tránh “nước đổ lá khoai”, “vào tai này, ra tai khác”.
Xưa kia, khi xác định theo học một ông thầy nào đó thì thường các gia đình sẽ đem con mình đến gửi gắm ở nhà thầy, rồi trông cậy tất cả vào thầy từ việc học các lễ nghi giáo tiết đến tri thức kinh khoa. Thầy và trò thường gắn bó với nhau, “không thầy đố mày làm nên”. Ngày nay, dù học sinh không còn gắn bó với một người thầy như trước nữa mà được tiếp xúc và học tập với sự dìu dắt và giúp đỡ của nhiều thầy cô nhưng càng như vậy các bạn càng thấy công lao của những người thầy đáng quý hơn bao giờ hết. Không phải bỗng dưng người ta nói nghề giáo là một trong những nghề cao quý nhất. Những người thầy ngày ngày bước trên bục giảng, trao gửi trọn kiến thức, tình cảm của mình cho các em học sinh. Cái mà các thầy cô giảng dạy các bạn không chỉ là những tri thức văn hóa được thầy cô học tập và nghiên cứu mà còn là sự tích lũy, trải nghiệm của thầy cô, là tấm lòng trìu mến, bao dung, yêu thương với học sinh.
Có thể thấy trong giai đoạn khi các bạn học sinh ôn thi cấp 3, ôn thi Đại học, các thầy cô cũng song hành, lo lắng cùng các bạn thế nào. Trong những ngày hè nóng nực, không khí thi cử và tâm trạng hồi hộp lo âu của thầy cô cũng chẳng khác gì học sinh. Ngày thi xong, các bạn học sinh ùa ra cổng trường đã thấy thầy cô đứng chờ sẵn với vẻ mặt lo âu, không biết học sinh của mình có làm được bài không, rồi chờ đợi học sinh về để hỏi han tình hình… lúc biết kết quả, học sinh đỗ thầy cô vui mừng không kém các bạn và gia đình, học sinh không đỗ thầy cô cũng buồn phiền, day dứt. Thầy cô luôn là những người đồng hành san sẻ cùng học sinh trong suốt quãng thời gian các bạn ở trường, là những người gắn bó, sát sao với các bạn thậm chí còn hơn cả gia đình. Do đó, học sinh phải biết kính yêu thầy cô, tôn trọng, nâng niu, gìn giữ những kiến thức, những điều hay lẽ phải được thầy cô chỉ dạy.
Nhiều bạn học sinh hiện nay vô cùng hư hỏng, nghịch ngợm, không tôn trọng giáo viên, làm mất đi vẻ đẹp của truyền thống tôn sư trọng đạo. Nhiều bạn mở miệng là gọi thầy cô là “ông”, “bà”, rồi thậm chí chửi bậy, nói xấu, khinh thường, chế nhạo thầy cô. Những bạn học sinh này không những lười học tập mà còn vô lễ, xấc xược. Chính các bạn đang nhẫn tâm chà đạp lên những con người cao quý, công việc cao quý nhất. “Muốn sang thì bắc cầu Kiều – Muốn con hay chữ thì yêu lấy thầy”, nếu không yêu mến kính trọng thầy cô, tôn trọng những kiến thức được dạy dỗ thì sao học sinh có thể nên người được đây.
>>>Xem thêm:
- Nghị luận về trang phục và văn hóa của giới trẻ hiện nay
- Ngưỡng mộ thần tượng là một nét đẹp văn hóa, nhưng mê muội thần tượng là một thảm họa
- Lời nói chẳng mất tiền mua lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau