Đề bài: Văn Nghị Luận Về Thói Vô Trách Nhiệm Trong Cuộc Sống
Bài Làm
Những tưởng cuộc sống đầy đủ hơn, ấm no hơn thì con người sống sẽ có trách nhiệm với bản thân gia đình và xã hội hơn nhưng chính những điều kiện vật chất, cuộc sống no đủ mà con người ta trở nên vô cảm thờ ơ với những thứ hiện hữu xung quanh mình. Trách nhiệm vốn là một từ nhưng bao hàm nhiều nghĩa lớn, gồm cả lời nói và hành động chứ không dừng lại ở tính hô hào theo phong trào.
Trách nhiệm chính là bản thân có thể tự nhìn nhận đánh giá và đưa ra quyết định của mình, đón nhận và giải quyết những hậu quả mà mình đã gây ra. Người có trách nhiệm luôn có cái nhìn tích cực về những hành động của mình cùng với đó luôn chủ động để tạo ra những điều mà mình tin và quyết định làm theo. Khác với người vô trách nhiệm, người có trách nhiệm không chỉ chủ động với cuộc sống của chính bản thân mình mà còn sẵn sàng giúp đỡ và chia sẻ và mong muốn những điều khác tốt đẹp hơn.
Ấy vậy mà trong cuộc sống hiện nay, thói vô trách nhiệm ngày càng lan tràn và có xu hướng tăng lên không chỉ ở một khu vực cụ thể mà có khi là một vùng một khu vực cả quốc gia. Thế hệ trẻ bây giờ khi đã có cuộc sống đầy đủ hơn và có sự giúp đỡ từ bố mẹ mà đâm ra thói ỉ lại không chịu tiến thân và chủ động trong mọi việc. Cụ thể, khi còn ngồi trên ghế nhà trường , học sinh ỉ lại vào bố mẹ, lười nhác không chịu tìm tòi học hỏi những người xung quanh. Lớn lên một chút lại không chủ động tìm hiểu xem mình phù hợp với ngành nghề nào để theo đuổi rốt cuộc chỉ đi theo trào lưu mà có khi bỏ học giữa chừng vì không thích nghi được với ngành nghề mình đã chọn. Tới lúc ra trường, lại không tự bản thân vận động, tự đi xin viêc hay tìm kiếm môi trường thích hợp mà dựa dẫm vào mối quan hệ quen biết của bố mẹ để chờ đợi người khác tìm việc cho mình. Thói vô trách nhiệm quanh quẩn khiến cho người ta u mê không tìm thấy hướng đi riêng của chính mình.
Chưa dừng lại ở thói vô trách nhiệm với bản thân mà còn vô trách nhiệm với gia đình, bạn bè lớn hơn là tập thể và xã hội. Những công việc được giao phó bạn không hoàn thành hoặc làm với một thái độ hời hợt không toàn tâm toàn ý. Hơn thế nữa một người vô trách nhiệm gây ra hậu quả không hề nhẹ thì cả một tập thể vô trách nhiệm thì hậu quả gây ra thật là khó lường trước.
Vậy làm sao để hạn chế và loại bỏ thói vô trách nhiệm. Đầu tiên trước mọi việc bạn nên là người suy nghĩ thật kĩ càng và đưa ra quyết định của mình, chủ động với mọi tình huống xảy ra cùng với đó là lên kế hoạch rõ ràng và mục tiêu cho chính bản thân mình, cộng thêm đó là tìm sự hợp tác của những người cùng chí hướng để phấn đấu. Thứ hai, thói vô trách nhiệm chỉ thực sự lan rộng và tăng nhanh khi không có sự lên tiếng chỉ trích phê bình khách quan từ anh em bạn bè đồng nghiệp. Những hành động vô trách nhiệm cần được lên án và chỉnh đốn hành vi ngay từ khi có dấu hiệu, bởi một khi nó đã gây ra hậu quả thì không thể nào rút lại được .
Gia đình, tập thể, xã hội chỉ thực sự tốt đẹp hơn khi những con người sống biết mình đang làm gì vì điều gì và có quyền nói lên tiếng nói cá nhân của mình lên án những điều còn tồn tại , khiến cho xã hội trì trệ. Trong nhận thức của mỗi người, thói vô trách nhiệm cần được loại bỏ khi nó mới chỉ là suy nghĩ, để vô trách nhiệm không còn là thứ sâu bọ ăn mòn cuộc sống của nhân loại.
>>>XEM THÊM:
- Nghị Luận Xã Hội Về Tình Thương Của Con Người
- Nghị Luận Xã Hội Về Tác Dụng Của Việc Đọc Sách
- Nghị Luận Xã Hội Về Văn Hóa Cảm Ơn