Đề bài: Nghị luận về câu nói của Bác Hồ Có tài mà không có đức là người vô dụng có đức mà không có tài làm việc gì cũng khó
Bài Làm
Trong tất cả những điều răn dạy của Bác, có một câu nói mà người người vẫn thường sử dụng để nhắc nhở nhau “Có tài mà không có đức là người vô dụng, có đức mà không có tài thì làm việc gì cũng khó”, vậy thế nào là có tài mà không có đức, và nếu có tài mà không có đức thì tại sao lại trở thành người vô dụng và ngược lại.
“Tài” ở đây là tài năng, là những tri thức, hiểu biết của con người có thể cống hiến, sử dụng cho xã hội. Những người có tài là những người học rộng hiểu sâu, luôn có những phát kiến thông minh và có tính chiến lược, hoạch định đường đi nước bước trong tương lai.
“Đức” ở đây là nói về phẩm hạnh, phẩm chất đạo đức của con người, là nét đẹp thiện lương trong tâm hồn của mỗi con người. Những con người có đức tính tốt đẹp thường có tư tưởng của người nhà Phật: ở hiền gặp lành, lá lành đùm lá rách, gieo nhân nào gặt quả nấy…
“Tài” và “Đức” là hai tiêu chuẩn để đánh giá một con người, là những giá trị tốt đẹp cần có song song không tách rời. Những người vừa có tài vừa có đức là những con người đáng quý trong xã hội này.
Người có tài mà không có đức ý chỉ những người tài năng, giỏi giang học cao nhưng lại có bụng dạ xấu xa âm hiểm. Những người như vậy cũng chỉ là vô dụng, không đóng góp được gì cho xã hội.
Sở dĩ như vậy bởi có nhiều người rất tài năng, giỏi giang thông minh nhưng lại vụ lợi, tư thù cá nhân, làm việc gì cũng thâm trầm sâu xa chỉ để chuộc lợi, làm giàu cho bản thân. Những người như vậy thường chỉ có thể tìm lợi ích cá nhân làm tốt cho mình và không để ý đến những yếu tố khác. Cũng vì những hành động tìm kiếm xây dựng lợi ích bản thân đó mà có thể có rất nhiều cá nhân tổ chức khác đã vì vậy mà thiệt hại, bị liên lụy.

Bản thân những người có tài nhưng vị kỉ, chỉ biết nghĩ đến bản thân mình thì họ sẽ sử dụng trí thông minh cùng cái “tài” ấy của mình để làm mọi cách có thể làm lợi cho bản thân chẳng hạn lừa lọc, dối trá, lách luật, tham ô để làm giàu và đi lên. Và khi ấy, cái tư tưởng đạo đức của người đó hiển nhiên đã trở nên thật suy đồi.
Ngược lại cũng có rất nhiều người lúc nào cũng có tấm lòng nhân hậu, luôn biết suy nghĩ cho người khác, cho đại cục nhưng lại không có tài không giỏi giang, những người như vậy thì lại khiến cho các công việc trở nên phức tạp đổ bể hơn.
Người có đức mà không có tài thường chữa “Lợn lành thành lợn què”, không làm thì thôi làm rồi có khi hỏng việc và lại khiến con người phải bỏ công sức để khắc phục, chỉnh sửa.
Chẳng hạn, trong một bộ máy hành chính nếu một người có đức mà không có tài lên lãnh đạo, người ấy sẽ đưa ra nhiều nghị quyết, chính sách không phù hợp với tình hình thực tiễn, không có khả năng thực hiện hoặc giá trị thực tế không cao mặc dù xuất phát bản chất, mục đích của chính sách ấy là tốt. Lúc ấy, hậu quả của việc đó để lại lại vô cùng nặng nề, vô hình chung cũng lại làm ảnh hưởng đến rất nhiều tiền tài vật lực theo sau.
Thực tế trong xã hội hiện nay, người có tài rất nhiều, người có tài mà không có đức cũng nhiều không kém. Đó cũng là một phần dẫn đến tình trạng tham ô, tham nhũng, biểu hiện của những tư tưởng thoái hóa, tiêu cực gây ảnh hưởng xấu đến nền kinh tế và đời sống xã hội. Đó có thể nói chính là những con sâu làm rầu nồi canh, gieo rắc những tư tưởng xấu đến những người xung quanh, những thế hệ trẻ tiếp theo.
Tài và đức là hai yếu tố vô cùng quan trọng đối với bất kì ai. Tài và đức vừa là nét đẹp trong tâm hồn vừa là nét đẹp trong hành động của mỗi con người. Có thể không thực sự giỏi giang, không phải là tinh anh xuất chúng nhưng trong mỗi con người luôn luôn cần có cả đức cả tài để trước hết là làm cho cuộc sống của họ trở nên thư thái dễ chịu hơn đồng thời cũng góp phần cống hiến cho xã hội, giúp đỡ cho những người xung quanh.
Lời Bác Hồ răn dạy rất nhiều, nhưng những điều đó rất thấm thía, rất sâu sắc. Chính những sự kiện từ lớn đến nhỏ, những vấn đề nổi trội trong xã hội đến những tiểu tiết trong đời sống mỗi cá nhân, gia đình ngày nay là minh chứng rõ nét nhất cho lời dạy này về tài và đức của Bác.
Là một học sinh còn ngồi trên ghế nhà trường, em phải tiếp thu và trân trọng những lời dạy của cha ông, của Bác; tích cực trau dồi rèn luyện để có thể để bản thân không trở thành người vô dụng. Muốn làm được điều đó, trước hết trong học tập em phải tích cực học hành nghiên cứu để làm tăng vốn hiểu biết, trình độ tri thức của bản thân. Về đạo đức em phải làm theo những lời Bác Hồ dạy về thanh niên “Không có việc gì khó – Chỉ sợ lòng không bền – Đào núi và lấp biển – Quyết chí ắt làm nên”, biết tiếp thu và trân trọng những lời dạy của các cụ và cha ông, biết “Một con ngựa đau – Cả tàu bỏ cỏ”, kính trên nhường dưới, sống có tình có nghĩa với mọi người xung quanh.
>> XEM THÊM: Non sông Việt Nam có trở nên tươi đẹp hay không