Đề bài: Nêu hoàn cảnh ra đời và giải thích ý nghĩa nhan đề truyện Rừng xà nu
Bài làm
- Hoàn cảnh ra đời
Nhà văn Nguyễn Trung Thành tên thật là Nguyễn Văn Báu sinh năm 1932 tại tỉnh Quảng Nam. Ông còn có bút danh khác được nhiều độc giả biết đến đó là Nguyên Ngọc. Các tác phẩm tiêu biểu nhất của ông được nhiều người biết đến có thể kể tới tiểu thuyết Đất nước đứng lên với hình tượng người anh hùng Núp đã từng được chuyển thể thành phim, tác phẩm Rẻo cao và tác phẩm Rừng xà nu.
Nguyễn Trung Thành được coi là nhà văn của vùng đất Tây Nguyên và những tác phẩm hay nhất của ông cũng đều viết về đất nước và con người Tây Nguyên. Theo lời tác giả kể, năm 1962 ông trở lại miền Nam “Vừa đặt chân lên đất Tây Nguyên là bắt gặp những cây xà nu. Ấy là một loài cây hùng vĩ mà cao thượng, man dại mà trong sạch. Mỗi cây cao vút, vạm vỡ, ứ nhựa, tán lá vừa thanh nhã vừa rắn rỏi, mênh mông. Từng cây hàng vạn hàng triệu cây vô tận”. Chính những cây xà nu ấy đã gợi cho ông cảm hứng về sức sống và con người và thiên nhiên vùng Tây Nguyên và đã khiến cho ông viết truyện ngắn này.
Năm 1965 đế quốc Mĩ ồ ạt đổ quân vào miền Nam, tàn phá những cánh rừng, vùi dập cách mạng, hủy diệt cuộc sống. Trước thời khắc lịch sử ấy, theo tác giả ông muốn viết một bài Hịch tướng sĩ của thời chống Mĩ và hình ảnh rừng xà nu với những con người Tây Nguyên lại hiện về mãnh liệt và ông đã chính thức đặt bút trước truyện ngắn này. Truyện được in lần đầu tiên tạp chí Văn nghệ quân giải phóng miền Trung (số 2, 1965).
- Ý nghĩa tên truyện
Tựa đề Rừng xà nu là một sáng tạo nghệ thuật của nhà văn. Đây là hình ảnh mang ý nghĩa biểu tượng cho cả đất nước và con người Tây Nguyên anh hùng. Qua hình ảnh này, trước hết ta thấy một bức tranh thiên nhiên với sức sống mãnh liệt và sự sinh sôi nảy nở đến khôn cùng bất chấp sự hủy diệt của bom đạn chiến tranh và để lại ấn tượng khó phai trong lòng người đọc.
Cũng qua bức tranh ấy gợi người đọc liên tưởng tới người dân Tây Nguyên cụ thể là dân làng Xô Man. Họ cũng là những cánh rừng với sức sống bền bỉ, trường tồn, bất khuất, một lòng trung thành với Đảng mà kẻ thù không bao giờ lung lạc được.
Nhan đề Rừng xà nu cũng còn thể hiện tình cảm của tác giả đối với một loài cây của vùng đất Tây Nguyên đồng thời cũng gợi lên chủ đề của tác phẩm và cũng thể hiện khuynh hướng sử thi, bi tráng của tác phẩm này.
Trong tác phẩm xuất hiện rất nhiều những người anh hùng sử thi như Tnú, cụ Mết, Mai, Dít. Mỗi một người đều là những con người cách mạng, là những bức tượng đài về thời kháng chiến chống Mỹ máu lửa của vùng rừng núi Tây Nguyên. Để lột tả được bức chân dung của họ, không gì tuyệt vời và phù hợp hơn việc lấy cây xà nu ra làm hình ảnh tượng trưng. Mỗi một cây xà nu ở đây đều giống như con người trong buôn làng Xô Man, kiên cường bất khuất. Mỗi thân cây đều mang trong mình dòng nhựa nóng hổi, tràn trề. Những thân cây vươn lên mạnh mẽ dưới bầu trời, dù phải hứng chịu biết bao làn đạn của giặc, có thân cây thậm chí đã gục xuống, gẫy đôi nhưng ở những chỗ đó rồi lại có những cây con, nhánh con mọc lên, vững chãi, xanh tươi, giống như các thế hệ dân làng Xô Man vậy.
Cây xà nu mang nhiều ý nghĩa, nó là hình ảnh bao trùm cả đầu và cuối truyện, gắn chặt với câu chuyện về cuộc đời người anh hùng Tnú, chính vì vậy đây là một nhan đề rất cô đọng và giàu ý nghĩa tượng trưng.
>>> XEM THÊM :