Fri, 08 / 2018 5:00 pm | thuylinh

Đề bài: Mỗi ngọn bút là một dòng cảm nhận đặc sắc của từng tác giả trong việc thể hiện vẻ đẹp tâm hồn con người. Cảm nhận về vẻ đẹp tâm hồn người phụ nữ qua hình tượng cô vợ nhặt (Vợ nhặt – Kim Lân), từ đó liên hệ với hình tượng Thị Nở (Chí Phèo – Nam Cao) để thấy được nét riêng trong tư tưởng nhân đạo của các nhà văn.

Bài làm

Mỗi một ngọn bút là một dòng cảm nhận đặc sắc của từng tác giả trong việc thể hiện vẻ đẹp tâm hồn con người. Qua đó tác giả không chỉ thể hiện cái nhìn và cách đánh giá của nhân vật về sự vật sự việc mà còn bộc lộ giá trị nhân đạo của tác phẩm. Nhân vật đóng vai trò là linh hồn của tác phẩm, thông qua đó, người đọc có thể thấy được những cái nhìn nhân sinh và hiểu hơn về hoàn cảnh số phận của họ. Chẳng hạn trong tác phẩm Vợ nhặt của nhà văn Kim Lân hay Chí Phèo của nhà văn Nam Cao thì thông qua hai nhân vật người vợ nhặt và thị Nở, người đọc có thể phần nào hiểu được hoàn cảnh bất hạnh cùng vẻ đẹp trong tâm hồn của những người phụ nữ trong xã hội xưa.

Người vợ nhặt xuất hiện ban đầu là một người phụ nữ hết sức chao chát, chanh chua, ngoa ngoắt. Từ cái cách thị chạy lại đòi Tràng mời ăn tới việc thị ngồi ăn một chặp bốn bát bánh đúc, người đọc cảm tưởng thị là một người phụ nữ khá vô duyên, thô thiển. Tuy nhiên, ngay từ khi thị đồng ý theo Tràng về nhà, thị dường như trở thành một con người khác hoàn toàn. Thị bẽn lẽn đi theo sau Tràng đúng dáng dấp của một nàng dâu mới về nhà chồng. Khi bị lũ trẻ con trong xóm trêu đùa thì thị xấu hổ, ngại ngùng. Thị dường như đã trở thành một con người khác hoàn toàn. Lúc bước chân vào căn nhà xập xệ của Tràng thị cũng chỉ không nén nổi thất vọng nhưng không vì thế mà có phản ứng thái quá, không hề làm gì hay nói gì khiến Tràng buồn. Thị ngồi mớm trên mép giường, thấp thỏm chờ đợi mẹ chồng về để chào hỏi, thị lo lắng không biết rồi đây mẹ chồng có chấp nhận mình không. Thế rồi khi bà cụ Tứ về, thị tỏ rõ thái độ e thẹn, ngại ngùng. Rõ ràng thị hiểu và ý thức được hoàn cảnh của mình, ý thức được việc mình theo người ta về làm vợ là đường đột và khó chấp nhận thế nào nên thái độ của thị như là chờ đợi một sự phán quyết từ người mẹ chồng. Thế nhưng bà cụ Tứ cũng chấp nhận thị, còn thương thị trong cái hoàn cảnh này mà lấy chồng là một thiệt thòi.

Mỗi ngọn bút là một dòng cảm nhận đặc sắc của từng tác giả

Loading...

Vẻ đẹp tâm hồn của người vợ nhặt được thể hiện rõ nhất là trong buổi sáng ngày hôm sau. Thị thức dậy từ sớm để quét dọn vườn tược nhà cửa cùng mẹ chồng. Đây là một đức tính chịu thương chịu khó tốt đẹp của những người phụ nữ Việt Nam. Hành động của hai mẹ con vừa giúp cho ngôi nhà thêm phần sáng sủa lại khiến cho câu chuyện thêm ấn tượng, gợi mở ra một tương lai tươi sáng hơn. Thế rồi khi Tràng thức dậy và bà cụ Tứ đem ra một nồi chè khoán đặc biệt mừng cô con dâu mới. Có thể nói chi tiết nồi cháo cám chính là một thử thách lớn của người vợ nhặt nhưng thị đã vượt qua điều đó, thị chỉ lẳng lặng không nói gì và đưa miếng cháo cám vào miệng. Đây là hành động thể hiện sự nhân hậu, vị tha của người vợ nhặt, thị biết hi sinh, biết chấp nhận thực tại và đã sẵn sàng để cùng gia đình mới vượt qua những khó khăn của mình.

Thị Nở, cũng với những đức tính tốt đẹp tương tự của người vợ nhặt, đã làm cho câu chuyện Chí Phèo thêm điểm nhấn và làm thay đổi cả nhân hình và nhân tính của một con người. Nhờ có thị Nở quan tâm, chăm sóc cho Chí Phèo, nấu cho Chí Phèo một bát cháo hành đặc biệt mà làm thức tỉnh phần con người trong Chí Phèo. Phần con người trong Chí đã quay trở lại, Chí thấy lại khao khát những khát vọng, ước mơ bình dị của mình. Sự quan tâm của thị Nở là một sự quan tâm chân thành, mộc mạc và đầy bình dị. Nhờ có những hành động chân thành ấy mà dường như thị đã kéo từ một con quỷ trở lại thành một con người.

Dù là người vợ nhặt hay thị Nở, họ đều là những người phụ nữ điển hình, dân giã của làng quê Việt Nam xưa. Họ không chỉ thay đổi nhận thức, suy nghĩ của các nhân vật trong tác phẩm mà còn khiến cho câu chuyện thêm màu sắc tươi sáng, mang đến ý nghĩa tích cực hơn cho tác phẩm. Quả thật họ là những con người mềm yếu mà có vai trò thật lớn lao trong câu chuyện.

Thông qua những nhân vật này, các tác giả vừa bày tỏ cái nhìn cảm thông, trân trọng với những người phụ nữ trong xã hội xưa vừa góp phần tô điểm, khắc họa bối cảnh xã hội đương thời một cách chân thực và sâu sắc nhất.

>>> XEM THÊM : 

Loading...
Spread the love
Bài viết cùng chuyên mục