Đề bài: Cảm nhận của anh/chị về chi tiết “Mị nghe tiếng sáo vọng lại, thiết tha bổi hổi” mà nhân vật Mị nghe được trong đêm tình mùa xuân (Vợ chồng A Phủ – Tô Hoài), từ đó liên hệ với chi tiết “tiếng chim hót ngoài kia vui vẻ quá” mà nhân vật Chí Phèo cảm nhận được vào buổi sáng đầu tiên tỉnh rượu (Chí Phèo – Nam Cao) để thấy được những đặc sắc của các tác giả trong nghệ thuật miêu tả tâm lí nhân vật.
Bài làm
Mỗi một tác phẩm văn học thành công thường đều có vai trò quan trọng của những chi tiết nghệ thuật đắt giá. Trong tác phẩm Vợ chồng A Phủ của nhà văn Tô Hoài, chi tiết tiếng sáo chính là một chi tiết nghệ thuật như vậy. Việc “Mị nghe tiếng sáo vọng lại, thiết tha bổi hổi” mà nhân vật Mị nghe được trong đêm tình mùa xuân đã thay đổi cả những tâm hồn và hành động của con người Mỵ.
Sau lần tự tử bất thành, Mỵ đã chấp nhận, cam chịu cuộc sống nô lệ, câm lặng tại nhà thống lí Pá Tra. Điều ấy có nghĩa, cái tâm của Mỵ như đã chết, cô vô tâm, vô cảm trước cuộc đời, chỉ biết sống lầm lũi như con rùa nuôi trong xó cửa. Có lẽ Mỵ sẽ cứ như vậy mà chết đi, trở thành con ma trong nhà thống lí. Bản chất Mỵ vốn là một cô gái hoạt bát, duyên dáng, đảm đang lại có một tâm hồn rất phong phú. Vậy mà giờ đây bi kịch cuộc đời đã đẩy cô vào một hoàn cảnh bất hạnh, khiến Mỵ trở thành một con người khác hoàn toàn. Thế mà trong đêm tình mùa xuân, khi lắng nghe tiếng sáo vọng lại từ triền núi, tất cả những kí ức chợt hiện về sống động trong tâm trí Mỵ. Nhờ tiếng sáo mà Mỵ hồi tưởng lại quãng thời gian thanh xuân, tự do như đã cách xa từ rất lâu rồi. Tất cả kí ức như hiện về sinh động, rõ ràng cả ước mơ, khát vọng tuổi trẻ của Mỵ. Tiếng sáo chính là tác nhân trực tiếp kích thích Mỵ, khiến Mỵ cảm thấy tha thiết, bổi hổi. Thêm vào đó Mỵ lại lôi vò rượu ra uống và càng uống thì dường như Mỵ càng trở nên tỉnh táo hơn bao giờ hết. Mỵ nảy sinh ham muốn đi chơi, Mỵ nhận ra mình còn trẻ, mình muốn đi chơi và thực sự Mỵ đã làm điều đó. Khi ham muốn xuất hiện lại trong Mỵ thì điều đó đồng nghĩa với việc tâm hồn Mỵ đang sống lại, nó đưa Mỵ trở về là một cô Mỵ trẻ trung, sôi nổi và đầy nhiệt tình khi trước.
Mị nghe tiếng sáo vọng lại thiết tha bổi hổi
Cũng giống như tiếng sáo, tiếng chim hót bên ngoài cũng là một tác nhân cho sự thức tỉnh của Chí Phèo trong truyện ngắn cùng tên của nhà văn Nam Cao. Chí Phèo sau một đêm say rượu rồi cảm, khi thức giấc và được nếm mùi vị cháo hành do bàn tay của một con người làm cho mình. Chí Phèo lại thêm lắng nghe thấy tiếng chim hót bên ngoài và cảm nhận nó thật vui vẻ. Phải nói rằng đây không phải là lần đầu tiếng chim hót. Tiếng chim ngày nào chẳng hót nhưng chỉ là đến hôm nay Chí mới tỉnh táo để nhận ra bởi thực chất mọi ngày Chí vẫn trong một cơn say triền miên. Cả cuộc đời của Chí là một cơn say dài. Tiếng chim hót bây giờ cũng chính là âm thanh cuộc sống, nó giống như tiếng sáo mà Mỵ đã nghe. Âm thanh ấy sinh động, tự nhiên và chân thật, nó chính là âm thanh của đời sống thường nhật, là âm thanh báo hiệu của một cuộc sống yên ả, thanh bình. Tiếng chim hót cũng như tiếng sáo, đều mang một ý nghĩa vô cùng to lớn đó là làm thức tỉnh hai tâm hồn đang tắt lụi. Nếu như ở Mỵ, tiếng sáo làm thức tỉnh khát vọng sống, khát vọng tự do tưởng như đã chết từ lâu trong Mỵ thì với Chí Phèo, tiếng chim hót làm thức tỉnh bản chất con người trong Chí. Đã bao lâu nay, Chí Phèo sống như một con quỷ dữ của làng Vũ Đại, anh sa ngã dần dần, đời anh chìm trong những cơn say dài bất tận, chỉ sống bằng cướp bóc dọa nạt. Cũng từ lúc lắng nghe được âm thanh chim hót này Chí mới như trở lại thế giới của loài người. Cộng thêm bát cháo hành của thị Nở khiến Chí sống lại biết bao hoài bão, ước mơ và mong muốn được trở lại cộng đồng loài người.
Cả hai nhà văn Nam Cao và Tô Hoài đều vô cùng thành công trong việc miêu tả tâm lí nhân vật. Họ đã miêu tả một cách khách quan chân thật quá trình tha hóa, chết tâm của nhân vật mình để người đọc cảm thấy thấu hiểu và đồng cảm với số phận của nhân vật. Không những vậy, họ cũng biết cách khéo léo và tinh tế đưa vào đó những chi tiết nghệ thuật đắt giá, đóng vai trò là nút thắt, là tác nhân để các nhân vật thức tỉnh, đưa họ về với cuộc sống loài người, làm sống lại trong tâm hồn họ những khát khao cháy bỏng.
Dù đến cuối cùng, ước vọng của Chí Phèo không thành công, còn lần vùng lên này của Mỵ cũng thất bại nhưng điều đó vẫn làm thay đổi họ trong con mắt của người đọc. Họ vẫn là những con người vô cùng mộc mạc, chân thành, gần gũi với đời sống. Dù không thực hiện được thì họ cũng đã trở về với cuộc sống bình dị của loài người rồi.
>>> XEM THÊM :
-
Cảm nhận vẻ đẹp khuất lấp của nhân vật người đàn bà hàng chài
- Cảm nhận về bi kịch bị tha hóa của Trương Ba
- Giá trị hiện thực và nhân đạo trong Vợ Nhặt