Đề bài: Giải Thích Câu Ta Về Ta Tắm Ao Ta Dù Trong Dù Đục Ao Nhà Vẫn Hơn
Bài Làm
Trong kho tàng ca dao dân ca Việt Nam, có rất nhiều câu nói về chủ đề quê hương đất nước và sự thủy chung của con người. Một trong những câu ca dao về chủ đề này vẫn thường được moi người nói miệng với nhau đó là Ta về ta tắm ao ta – Dù trong dù đục ao nhà vẫn hơn.
Ao là hình ảnh vô cùng quen thuộc với đất nước Việt Nam. Trong thời kỳ trước, mỗi một làng, xóm lại có ít nhất tới vài cái ao, thậm chí có nơi mỗi nhà một cái ao. Ao là nơi con người rửa, giặt đồ sinh hoạt, ao là nơi con người tắm và bơi lội, thậm chí ao cũng là nơi người ta thường xuyên chuyện trò, đưa đẩy lời qua tiếng lại cùng nhau. Cái ao trở nên gắn bó và vô cùng thân thiết với mỗi gia đình. Đây cũng là hình ảnh biểu tượng đã từng xuất hiện rất nhiều trong thơ ca, văn học dân gian và cao dao tục ngữ của Việt Nam. Thế nhưng cái ao trong câu ca dao ở trên nó còn mang nhiều ý nghĩa tượng trưng khác. Ao là đại diện cho những đồ dùng trong nhà, là đại diện cho những tài sản riêng vốn có của mỗi gia đình. Câu ca dao ý muốn ca ngợi tình yêu của con người đối với gia đình, làng xóm, quê hương đất nước mình; đồng thời cũng nhắc nhở về việc mỗi người phải biết tự lực tự cường, tự dựa vào những nguồn nguyên liệu vốn có và tài sản của mình để sử dụng, không nên lạm dụng hay dựa dẫm vào tài sản của người khác. Điều này không có nghĩa là ích kỷ hay cô lập. Nhân dân ta từ xưa tới nay vẫn có truyền thống lá lành đùm lá rách, chia ngọt sẻ bùi nên con người sống với nhau vẫn cần có tình yêu thương và sự sẻ chia. Nhưng không vì thế mà quá dựa dẫm hay lợi dụng tài sản của người khác để sử dụng cho mình. Đồ của mình thì dù tốt hay không tốt, đẹp hay không đẹp cũng là đồ của mình, do mình sở hữu. Được làm chủ và sử dụng tài sản của chính mình đó vừa là động lực vừa là niềm tự hào của mỗi người. Không nên có tư tưởng “bãi cỏ nhà hàng xóm xanh hơn”, đứng núi này trông núi nọ, không có khái niệm “dùng chùa”.

Câu ca dao là một bài học răn dạy con người phải biết tự hào về những gì mình đang có, biết dựa vào những điều đó để tiến lên. Điều này cũng có thể hiểu rằng trong các cuộc kháng chiến cứu nước của dân tộc, các tôn chỉ của chúng ta thường có nội dung tự lực tự cường. Chúng ta phải biết lấy mình nuôi mình, biết cố gắng nỗ lực hết sức, biết tự tạo cho mình những tài sản, giá trị để có thể phục vụ cho công việc, cuộc chiến của mình mà không trông chờ, lệ thuộc vào sự giúp đỡ từ bên ngoài.
Lẽ tất nhiên, dù là thời đại nào, con người cũng cần có sự giao lưu, trao đổi, sẻ chia; đất nước cũng cần có sự chung tay góp sức, có tình hữu nghị và giúp đỡ lẫn nhau. Ngày nay, con người thường cố gắng phấn đấu học tập mang những vẻ đẹp thành tựu của nước ta giới thiệu ra thế giới và ngược lại ra thế giới học tập trau dồi kinh nghiệm để về giúp nước nhà. Thế nhưng trong bối cảnh hội nhập và phát triển ấy, con người càng cần hơn nữa phải tự nhắc nhở nhau câu “Dù trong dù đục ao nhà vẫn hơn” để nói về nguồn gốc, về niềm tự hào về những gì mà chúng ta có. Để con người dù có ở phương trời nào cũng không quên hướng về nguồn cội, hướng về quê nhà.
Câu ca dao là lời khẳng định đầy tự hào về của con người Việt Nam về tình yêu đối với gia đình, làng xóm, quê hương, đất nước. Đồng thời đây cũng là lời nhắc nhở chúng ta trong thời đại này hòa nhập mà không hòa tan.
>> XEM THÊM: Công cha như núi Thái Sơn