Đề bài: Giải Thích Câu Ca Dao Bầu Ơi Thương Lấy Bí Cùng Tuy Rằng Khác Giống Nhưng Chung Một Giàn | Văn Mẫu
Bài Làm
“Bầu ơi thương lấy bí cùng
Tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn”
Câu ca dao là lời răn dạy con người về tình yêu thương đối với đồng loại, với giống nòi của mình dù trong bất cứ thời đại nào. Để nói về tư tưởng này, còn có một câu ca dao khác vẫn được người người truyền dạy cho nhau trong cuộc sống hàng ngày “Bầu ơi thương lấy bí cùng – Tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn”.
Bầu và bí vốn là một loại rau quả, sản vật đặc trưng của nền ẩm thực Việt Nam. Quả bầu thường dài, thon và trơn láng hơn quả bí. Bí thường có hình dạng ngắn, màu xanh thẫm và cứng hơn bầu. Bầu và bí đều là hai giống cây thân leo, khi trồng người dân thường bắc một chiếc giàn để cây có thể leo lên và phát triển. Về sinh học, giống cây bầu thường dễ sống và phát triển mạnh hơn cây bí nên khi trồng chung giàn cây bầu thường leo mạnh mẽ và chiếm nhiều diện tích hơn.
Câu ca dao vừa giống như lời than thở của cây bí, lại vừa như lời răn dạy của người trồng, tuy bầu và bí là hai giống cây khác nhau nhưng lại cùng sống trên một giàn, cùng phải dựa vào giàn để ngoi lên phát triển vì vậy cây nọ phải biết nhường nhịn, sẻ chia môi trường sống cho cây kia, để cả hai cây cùng có thể lớn lên trên một giàn.
Câu ca dao dựa vào tập tính sinh trưởng của hai loài cây thế nhưng lại là cả một bài học ý nghĩa về sự đoàn kết, hỗ trợ lẫn nhau giữa người với người. Con người cũng vậy, có thể khác nhau về dân tộc, về tôn giáo, giới tính, địa vị xã hội nhưng lại cùng là con người Việt Nam, cùng chung dòng máu đỏ da vàng, vậy thì cần phải biết thương yêu đùm bọc lẫn nhau, cùng giúp đỡ nhau vượt qua khó khăn.
Người dân Việt Nam ở khắp mọi miền đất nước, dù ở những phương trời xa xôi nhưng đều là con cháu vua Hùng, đều là mẹ Âu Cơ trăm trứng đẻ ra, tuy có khác nhau ở nhiều điểm nhưng đây cũng là những con người duy nhất trên thế giới gọi nhau với tên gọi “đồng bào”. Chính vì lẽ đó, con người phải biết đoàn kết, thương yêu nhau, biết chia sẻ ngọt bùi, đồng cam cộng khổ. Tư tưởng ấy còn được nhắc đến trong nhiều câu thành ngữ, tục ngữ khác “Một con ngựa đau, cả tàu bỏ cỏ”, “Lá lành đùm lá rách”, “Một cây làm chẳng lên non – Ba cây chụm lại nên hòn núi cao”.

Tinh thần đoàn kết tương trợ lẫn nhau được áp dụng trong mọi thời đại, mọi hoàn cảnh, dù là ở đâu nếu con người san sẻ và chung lưng đấu cật thì mọi công to việc lớn đều có thể cùng nhau hoàn thành. Chẳng hạn, một người đào một cái hố có chu vi 1 mét đào mãi không xong, vừa thấy lâu lại vừa thấy mệt. Nhưng cũng như vậy, 5 người đào một cái hố chu vi 5 mét thì chỉ lát là xong, mọi người đều có vẻ nhẹ nhàng hơn. Trong cuộc sống lao động hay trong chiến tranh gian khổ, việc tất cả mọi người cùng chung sức đồng lòng dựng xây đất nước, thì việc thành công ắt sẽ đến.
Nếu con người sống và yêu thương nhau, mọi khó khăn gian khổ đều được san bớt và đỡ đần; như vậy hiệu suất trong mọi công việc không những cao hơn mà trong tim mỗi người còn đầy ắp những tình cảm và lòng yêu thương từ sự đoàn kết của mọi người.
Câu ca dao lấy hình ảnh bình dị, mộc mạc, vô cùng thân thuộc với cuộc sống của người dân nhưng đọc lên lại vô cùng hàm chứa, súc tích những ý nghĩa đầy thâm thúy, sâu lắng, dễ đi vào lòng người đọc và truyền cảm hứng cho mọi người.
Cho đến hôm nay, để dạy dỗ chỉ bảo con cháu trong gia đình hay các cô cậu học trò trên lớp, câu ca dao này vẫn thường xuyên được nhắc đến từ mỗi lời ăn tiếng nói của ông bà cha mẹ và thầy cô khi nhắc nhở con em mình. Tư tưởng đạo lí đáng quý ấy luôn là bài học mẫu mực, là tôn chỉ để mỗi người nhìn vào và điều chỉnh lại hành vi của mình. Biết yêu thương và giúp đỡ đồng loại, cùng nhau tiến lên trong công việc cũng như trong cuộc sống.
>> XEM THÊM: giải thích câu tục ngữ ta về ta tắm ao ta
>> XEM THÊM: Giải Thích Và Chứng Minh Câu Tục Ngữ Một Cây Làm Chẳng Nên Non Ba Cây Chụm Lại Nên Hòn Núi Cao