Đề bài: Giá trị hiện thực và giá trị nhân đạo trong tác phẩm Vợ Nhặt của Kim Lân
Bài làm
Khi nhắc đến Kim Lân người đọc thường nghĩ ngay đến những trang văn giàu cảm xúc, thấm đượm tình người. Các tác phẩm của nhà văn này vừa tái hiện lại hiện thực đất nước nhưng cũng đầy tính nhân văn và tinh thần nhân đạo. Có thể nói Vợ nhặt chính là tác phẩm xuất sắc nhất của ông. Vợ nhặt thành công không chỉ bởi cách xây dựng tình huống truyện, nội tâm của các nhân vật mà ở đây người đọc còn có thể tìm được những giá trị nhân đạo sâu sắc của cả tác phẩm.
Ngay từ khi bắt đầu tác phẩm, tác giả đã tái hiện lại một cách vô cùng thành công và xuất sắc bối cảnh xã hội ta trong nạn đói Ất Dậu năm 1945. Trên thực tế, tác phẩm được nhà văn viết lại sau cách mạng, dựa trên cốt truyện cũ về xóm ngụ cư. Ấy vậy mà chính những dòng văn này lại là những con chữ lột tả một cách chân thực và xuất sắc nhất về cảnh tượng xã hội miền Bắc trong cái đói quay quắt, héo mòn. Ở đó, con người không kiếm ra được cái gì để ăn, họ chỉ có thể chết dần chết mòn đi trong cái đói, chết vì đói. Người chết đói lại không phải một hai người mà là một hai triệu người. Ra đường, người chết đói như ngả rạ, xác người bên đường là những hình ảnh quen thuộc người ta bắt gặp lúc này. Chưa bao giờ mạng sống con người lại rẻ rúng, bèo bọt đến vậy. Cũng chính vì thế mà anh cu Tràng mới nhặt được vợ. Người ta có thể nhặt được của rơi của vãi, nhặt được thứ đồ người khác vứt đi, nhưng nhặt được vợ thì thật sự là rất đáng ngạc nhiên đấy. Ấy thế mà ở đây có ai thèm ngạc nhiên đâu. Người dân xóm ngụ cư cũng chỉ tò mò, thích thú trước việc anh cu Tràng bỗng dưng hôm nay có một người phụ nữ theo về, nhưng họ cũng không coi đây là một sự việc động trời, đáng để mà kinh ngạc. Ngay cả bà cụ Tứ thấy có cô con dâu mới cũng không nhảy dựng lên, không phản ứng gay gắt thái độ gì dù bà không chắc mẹ con bà có qua nổi cái tao đoạn này hay không, may ra thì ông trời cho sống. Cái hiện thực xã hội u uất, tăm tối, nó cho người đọc hiểu rằng những con người này đang ở vào mức đường cùng, đang đi đến cái ranh giới giữa sự sống và cái chết rồi. Nếu không có gì thay đổi thì rồi con đường của họ cũng đều sẽ đi đến một kết cục như vậy mà thôi. Nhà văn đã sử dụng cách miêu tả sinh động bằng cả âm thanh và hình ảnh, đưa vào đó cả sự vật hiện tượng, thái độ con người. Nào là tiếng quạ kêu não nề, bi thương, nào là tiếng rền khóc đã trở thành âm thanh quen thuộc khi nhà có người chết, nào là hình ảnh, thái độ con người cũng dửng dưng trước những xác chết ven đường, cái chết đã quen thuộc với mọi người như những người bạn vậy.
Thế nhưng trong bối cảnh hiện thực đầy đen tối như vậy, nhà văn lại chỉ ra điểm sáng cho toàn bộ tác phẩm. Ấy là tinh thần nhân đạo của từng nhân vật trong câu chuyện. Anh cu Tràng dù không biết có nuôi nổi mình hay không nhưng vẫn chấp nhận đèo bòng, vẫn chẹp miệng thây kệ sự việc, bà cụ Tứ thấy nhà có thêm người vẫn động viên mình rằng cũng phải nhờ cái tao đoạn này mà con mình mới có vợ. Cô vợ nhặt chứng kiến gia cảnh nhà chồng vẫn lặng lẽ chấp nhận cuộc sống, vẫn bình tĩnh kể về sự kiện những người đi phá kho thóc Nhật. Có một điểm chung ở tất cả những nhân vật trong câu chuyện đó là họ đều nghĩ về tương lai, đều nhắc đến tương lai tươi sáng với một thái độ tích cực. Anh cu Tràng thì nghĩ về trách nhiệm với gia đình, với vợ con, về nghĩa vụ phải làm tròn trách nhiệm nuôi vợ con của mình. Bà cụ Tứ thì nghĩ về tương lai đông con nhiều cháu, no đủ ấm áp với hình ảnh đàn gà tíu tít. Người vợ nhặt thì lắng nghe những gì mẹ và chồng nói, kể về chuyện người dân nổi dậy đi phá kho thóc. Cả một nhà ba người, ai cũng có niềm tin, ai cũng có lòng nhân ái, ai cũng có lối sống và thái độ sống hết sức lạc quan, tích cực. Chính điều này đã khiến cho Vợ nhặt dù là một tác phẩm buồn nhưng không tiêu cực, không bi lụy. Cách kết thúc của câu chuyện cũng không ám ảnh người đọc. Chính nhà văn đã chỉ ra cho họ một lối đi, một điểm sáng trong câu chuyện và người đọc tin vào đây. Rồi đây cả nhà sẽ có cuộc sống tươi mới với ánh sáng của cách mạng.
Thông qua tác phẩm Vợ nhặt, người đọc được trải nghiệm những cung bậc cảm xúc hết sức đa dạng từ việc học tập mở mang hiểu biết về một thời kì xã hội vô cùng đen tối đến việc cảm động, thấu cảm được những giá trị của tình người, của tinh thần nhân văn trong bối cảnh ấy. Đó cũng là một trong những lí do đưa Vợ nhặt trở thành thiên kiệt tác của văn học Việt Nam.
>>> XEM THÊM :