Sat, 08 / 2018 3:37 pm | thuylinh

Đề bài: Cảm nhận của anh/chị về vẻ đẹp của hình tượng sông Đà trong tác phẩm “Người lái đò sông Đà” – Nguyễn Tuân và hình tượng sông Hương trong tác phẩm “Ai đã đặt tên cho dòng sông?” – Hoàng Phủ Ngọc Tường. Từ đó, trình bày suy nghĩ của mình về việc bảo vệ cảnh quan thiên nhiên của quê hương, đất nước.

Bài làm

Thông qua hai tác phẩm Người lái đò sông Đà của nhà văn Nguyễn Tuân và Ai đã đặt tên cho dòng sông của Hoàng Phủ Ngọc Tường, người đọc có thể thấy vẻ đẹp của các dòng sông Việt Nam, đặc biệt là hai con sông Đà và sông Hương.

Cả hai dòng sông Đà và sông Hương đều được hai tác giả cất công tìm hiểu chi tiết từ thượng nguồn về tới hạ lưu con sông. Cả hai con sông đều được các tác giả quan sát, cảm nhận bằng nhiều góc độ nhằm lột tả một cách rõ nét và sinh động nhất những góc nhìn về con sông. Với dòng sông Đà, nhà văn Nguyễn Tuân đã tái hiện dòng sông Đà với hai hình thái khi thì hung bạo, dữ dội lại có lúc hiền hòa, lãng mạn. Có những khúc con sông lắm thác ghềnh, nguy hiểm, hiểm trở. Các vách đá, thác ghềnh, xoáy nước của con sông đều là những cửa tử chỉ chăm chăm nuốt gọn hoặc đập tan những gì đi qua đó. Tác giả miêu tả: “Đá bờ sông, dựng vách thành, mặt sông chỗ ấy chỉ lúc đúng giờ ngọ mới có mặt trời. Có vách đá thành chẹt lòng sông đà như một cái yết hầu. Đứng bên này bờ nhẹ tay ném hòn đá qua bên kia vách. Có quãng con nai con hổ đã có lần vọt từ bờ này sang bờ kia”; “Quãng mặt ghềnh hát loong, dài hàng cây số nước xô đá, đá xô sóng, sõng xô gió, cuồn cuộn luồng gió gùn ghè suốt năm như lúc nào cũng đòi nợ xuyết bất cứ người lái đò nào tóm được qua quãng ấy”. Con sông Đà như một người phức tạp, táo bạo mãnh liệt và rình rập đầy nguy hiểm. Thế nhưng cũng có khi nó lại réo rắt, thơ mộng, đầy cảm xúc như một con người lãng mạn, đầy tình cảm: “Sông Đà tuôn dài như một áng tóc trữ tình, đầu tóc chân tóc ẩn hiện trong mây trời tây bắc bung nở hoa ban hoa gạo tháng hai và cuồn cuộn mùa khói mèo đốt nương xuân”; “Mùa xuân dòng xanh ngọc bích, chứ nước sông Đà không xanh màu canh hến của sông Gâm sông Lô. Mùa thu nước sông Đà lừ lừ chín đỏ như da mặt một người bầm đi vì ruợu, lừ lừ cái màu đỏ giận giữ ở một người bất mãn bực bội gì mỗi độ thu về”. Lúc này Nguyễn Tuân lại tỉ mỉ miêu tả vẻ đẹp của dòng sông qua sự biến chuyển của thời gian bốn mùa, qua sự ẩn hiện giữa núi rừng. Cách miêu tả đa dạng, sinh động ấy khiến dòng sông Đà trở nên có một không hai đầy quyến rũ, lôi cuốn khiến người ta vừa muốn chiêm ngưỡng, vừa muốn được thử mình với những thách thức lớn. Còn với dòng sông Hương, tác giả đã dành nhiều tâm tư, tình cảm và công sức để khắc họa con sông với những vẻ đẹp trầm lắng, dịu dàng, nên thơ và rất mực cổ kính. Sông Hương khi ở thượng nguồn thì mang một vẻ đẹp phóng khoáng và man dại với những nét đẹp hùng vĩ và gầm gào hòa cùng núi rừng. Khi sông Hương vào đến lòng thành phố, nó bỗng chuyển mình trở thành một dòng sông đầy sử thi, thành kính, dạn dày sương gió, thăng trầm thời đại:

“Vượt qua một lòng vực sâu dưới chân núi Ngọc Trản, để sắc nước trở nên xanh thẳm, trầm mặc như triết lí, như cổ thi…cho đến khi gặp được tiếng chuông Thiên Mụ, nghe âm thanh bát ngát tiếng gà, từ ấy sông Hương rạng rỡ như nắng mới, nàng uốn một cánh cung thật nhẹ, đến khi giáp mặt với thành phố, đường cong ấy làm cho nàng mềm hẳn đi, như một tiếng vâng không nói ra của tình yêu”.

Loading...

 

Cảm nhận về hình tượng sông Đà và sông Hương

Sông Hương như là một chứng nhân lịch sử, lại như một người mẹ Hiền ôm ấp cả đất Huế. Sông Hương đã đi qua biết bao vùng đất, nơi chốn, vượt qua những lăng tẩm đền đài của kinh thành Huế, in trên mình vẻ đẹp cổ kính và thiêng liêng. Dòng sông Hương được tác giả nghiên cứu, cảm nhận qua cả các phương diện lịch sử, địa lí và văn hóa, để nó trở thành dòng sông sử thi, dòng sông tự nhiên nhất.

Cả hai nhà văn dường như đã dốc tất cả tâm tình, tình cảm của mình dành cho thiên nhiên đất trời vào từng nét bút tả hai con sông. Thông qua cách miêu tả này, người đọc có cách nhìn rõ nét hơn về vẻ đẹp của dòng sông Hương và dòng sông Đà đồng thời thêm quý trọng vẻ đẹp tự nhiên và những ý nghĩa mà nó mang trên mình. Cảm ơn hai nhà văn đã đem đến cho người đọc không chỉ những kiến thức quý báu mà còn cho người đọc thêm yêu thương, trân trọng những dòng sông của quê hương, đất nước.

>>> XEM THÊM : 

Loading...
Spread the love
Bài viết cùng chuyên mục