Đề bài: Cảm nhận của anh/chị về vẻ đẹp khuất lấp của nhân vật người đàn bà hàng chài (Chiếc thuyền ngoài xa – Nguyễn Minh Châu), từ đó liên hệ với nhân vật Thị Nở (Chí Phèo – Nam Cao) để thấy được những điểm tương đồng và khác biệt của hai nhân vật.
Bài làm
Trong tác phẩm Chiếc thuyền ngoài xa của nhà văn Nguyễn Minh Châu, nhân vật người đàn bà hàng chài là nhân vật trọng tâm của câu chuyện, cũng là người đã làm thay đổi nhận thức, cách nhìn của cả Phùng và Đẩu về cuộc sống. Ở chị ẩn giấu một vẻ đẹp khuất lấp và đáng quý của những người phụ nữ Việt Nam nhân hậu, vị tha, chịu thương chịu khó.
Nếu chỉ nhìn vào vẻ bề ngoài, người ta sẽ thấy người đàn bà hàng chài là một người phụ nữ xấu xí, thô kệch. Chị lại là người nhu mì nếu không nói là nhu nhược. Người đàn bà hàng chài này đã phải hứng chịu từ chồng mình biết bao trận đòn, ba ngày một trận nhẹ, năm ngày một trận nặng. Vậy mà chị vẫn nhịn nhục để chồng mình bạo hành tàn nhẫn. Thậm chí khi các con chạy lại can ngăn chị còn phản ứng. Chứng kiến sự bất hạnh và đau khổ của chị cho nên Phùng và Đẩu mới can thiệp với mong muốn giúp chị li hôn. Ngay từ khi chi xuất hiện tại tòa án, chị đã khiến người đọc có ấn tượng đây là con người ít học, quê mùa với cách xuất hiện rụt rè, nhút nhát và đầy sợ sệt của chị. Người phụ nữ này quanh năm chỉ chăm lo làm ăn, chăm sóc gia đình, nào có quen với việc ra vào tòa án thế này. Chính vì vậy chị rất lo lắng khi bước vào đây và sợ hãi những con người đang ngồi bên trong. Đọc đến đây, không ít người nghĩ rằng chỉ bởi vì thiếu hiểu biết cộng thêm sự hèn nhát nên chị mới không dám li hôn, không đồng ý lời đề nghị li hôn của Đẩu và Phùng. Và ngay cả Đẩu cũng rất tức giận vì sự nhút nhát ấy của chị. Thế nhưng chỉ khi lắng nghe tâm sự của người đàn bà hàng chài, họ mới vỡ lẽ ra nhiều điều. Hóa ra chị không những không phải là người không hiểu biết, ngược lại, chị lại là người rất sâu sắc, am hiểu sự đời. Lắng nghe những phân tích của chị về hậu quả của việc li hôn làm Phùng và Đẩu vỡ lẽ ra nhiều điều, hóa ra chính họ mới là những người non nớt, kém hiểu biết. Cái mà Phùng và Đẩu hiểu hóa ra chỉ là lí thuyết suông, là bề nổi của cuộc sống còn người đàn bà hàng chài mới thực sự là người hiểu tường tận sâu sắc về cuộc sống muôn màu muôn vẻ, biết nắm bắt, lường trước được những hệ lụy, hậu quả của một vụ li hôn. Cách phân tích, lập luận của chị quá thấu tình đạt lí, sâu sắc và có tầm nhìn. Người đàn bà ít học này hiểu rằng li hôn thì tình hình sẽ còn tệ hơn nữa. Ai sẽ lo miếng ăn, ai sẽ chăm lo gia đình lúc trời biển đổ cơn sóng lớn. Chi bằng giữ lấy gia đình để còn có lúc các thành viên vui vầy. Hóa ra chị cũng suy tính rất chu toàn, thấu đáo sự việc và đã lựa chọn cho mình một hướng đi mà chị cho là tốt nhất đối với các con, với gia đình của mình.
Người đàn bà hàng chài cũng có nhiều nét tương đồng với thị Nở trong tác phẩm Chí Phèo của nhà văn Nam Cao. Thị Nở cũng là người không được ưu ái về nhan sắc đặc biệt là lại xấu tai xấu hại. Thị Nở xấu tới mức tưởng không ai xấu hơn được, đã thế thị oại còn dở hơi. Cũng may mà thị dở hơi nếu không ý thức được sự xấu xí của mình thì thị Nở sẽ vô cùng đáng thương, vô cùng bất hạnh. Thế nhưng sâu trong bản chất con người thị Nở là một cô gái nhân hậu chất phác, lương thiện. Chỉ có thị Nở nhìn Chí Phèo là một con người bình thường chứ không phải ai khác. Thấy Chí bị cảm, thị Nở đã nghĩ rằng sốt thế này thì họa chăng chỉ có ăn bát cháo hành cho ra mồ hôi. Vậy là thị về và hì hụi nấu cháo. Rồi thị Nở mang cháo sang tận tình mời Chí Phèo ăn. Cách thị Nở ân cần quan tâm chăm sóc cho Chí Phèo tựa như một người mẹ hiền đảm đang nhân hậu chấp nhận một con người sa ngã, tội lỗi vậy. Chính sự bao dung của thị cũng đã khiến cho Chí Phèo cảm động, để anh suy nghĩ về ước mơ bình dị ngày xưa, được lập một gia đình nho nhỏ chăm lo làm ăn, đó cũng là lí do khiến Chí Phèo rủ thị về ở cùng một nhà cho vui.
Cả người đã bà hàng chài và thị Nở đều là những con người nhân hậu, bao dung. Nếu chỉ nhìn thoáng qua, ta sẽ thấy họ gàn dở, ngu muội, xấu xí và quê mùa, nhưng khi đi sâu vào khai thác trọng tâm nội tâm và hành động của nhân vật, ta mới thấy rằng họ đều là những con người rất sâu sắc, thâm thúy và am hiểu. Điểm khác nhau ở đây là người đàn bà hàng chài thì thùy mị, cam chịu, hiền hòa còn thị Nở thì rõ là đỏng đảnh, chanh chua, ngoa ngoắt. Không những vậy đến cuối cùng người đàn bà hàng chài bằng những lí lẽ và sự từng trải của mình đã thuyết phục được Phùng và Đẩu làm cho họ hiểu ra bản chất của vấn đề còn thị Nở thì ngược lại, thị đã bị bà cô ngăn cản, chế giễu mắng mỏ khiến thị quay lưng với Chí Phèo, đổ mọi sự giận dỗi, tức giận lên đầu Chí và làm Chí phát sinh tâm lí trả thù.
Sự khác nhau chính là đặc trưng riêng, là yếu tố đặc sắc riêng cho mỗi câu chuyện nhưng cũng chính nhờ những nhân vật này mà các tác phẩm trở nên sâu sắc hơn, chật thật hơn và có linh hồn hơn nữa. Hai tác phẩm đều ẩn chứa vẻ đẹp khuất lấp của những người phụ nữ trong xã hội xưa, để hiểu được họ, người đọc phải nhìn vào sâu thẳm nội tâm, phải khai thác họ ở nhiều khía cạnh chứ không thể đánh giá qua vẻ bề ngoài hay cách thức ứng xử thông thường.
>>> XEM THÊM :
- Giá trị hiện thực và nhân đạo trong Vợ Nhặt
- Mỗi ngọn bút là một dòng cảm nhận đặc sắc của từng tác giả