Đề bài: Cảm nhận của anh chị về hai đoạn thơ sau:
“Thôn Đoài ngồi nhớ thôn Đông
Một người chín nhớ mười mong một người
Gió mưa là bệnh của giời
Tương tư là bệnh của tôi yêu nàng” (Tương tư – Nguyễn Bính)
“Nhớ gì như nhớ người yêu
Trăng lên đầu núi nắng chiều lưng nương
Nhớ từng bản khói cùng sương
Sớm khuya bếp lửa người thương đi về”
(Việt Bắc – Tố Hữu)
Bài làm
Nguyễn Bính là gương mặt tiêu biểu của phong trào Thơ mới với hồn thơ chân quê. Ông có sở trường về thơ lục bát và Tương tư là bài thơ đặc sắc của ông mà ở đó thể hiện nỗi nhớ và tình yêu của chàng trai quê. Tố Hữu lại là lá cờ đầu của thơ ca cách mạng với phong cách trữ tình chính trị. Việt Bắc là bài thơ xuất sắc của ông trong đó thể hiện tình cảm sâu lặng của người kháng chiến với chiến khu Việt Bắc trong đó có đoạn thơ:
“Nhớ gì như nhớ người yêu
Trăng lên đầu núi nắng chiều lưng nương
Nhớ từng bản khói cùng sương
Sớm khuya bếp lửa người thương đi về”
Đoạn thơ trong bài Tương tư phản ánh tâm trạng nhớ nhung của chàng trai quê thể hiện ở sự da diết, triền miên, khắc khoải trong mọi thời gian. Nỗi nhớ ấy được tác giả nâng lên như một quy luật tự nhiên không thể chữa được. Nỗi nhớ ấy thành một thứ bệnh nan y.
Nỗi nhớ nhung được gắn với khung cảnh làng quê tạo nên cảm giác của không gian như cũng nhuốm đầy nỗi tương tư. Về nghệ thuật, đoạn thơ sử dụng nghệ thuật so sánh, hoán dụ, nhân hóa, sử dụng thành ngữ, cách diễn đạt tăng tiến và những từ ngữ, những dịa danh rất chân quê. Thể thơ lục bát gợi phong vị ca dao thân thuộc, thân quen.
Đoạn thơ trong bài Việt Bắc cũng thể hiện nỗi nhớ đằm thắm, sâu nặng của người cán bộ kháng chiến dành cho Việt Bắc mà ở đó ta thấy chan hòa tình nghĩa riêng chung. Những hình ảnh của Việt Bắc thân thương tuy hoang sơ nhưng bình dị thơ mộng. Cuộc sống của con người giản dị nhưng đầm ấm. Về nghệ thuật, thể thơ lục bát nhưng kết hợp giữa yếu tố cổ điển và hiện đại giọng điệu thơ rất trữ tình, tha thiết và ngọt ngào. Những hình ảnh so sánh ví von kết hợp với phép đối tạo nên sự hài hòa cân xứng, phép điệp từ để nhấn mạnh nỗi nhớ, sự tương tư.
Cả hai bài thơ đều thể hiện tâm trạng nhớ nhung da diết sâu lặng của chủ thể trữ tình. Đồng thời cả 2 bài thơ đều sử dụng thể thơ lục bát rất điêu luyện.
Điểm khác biệt là ở chỗ cùng nói về nỗi nhớ nhung nhưng ở Tương tư là nỗi nhớ của tình yêu lứa đôi còn ở Việt Bắc là nỗi nhớ của tình cảm cách mạng. Không gian ở Tương tư là làng quê Bắc bộ với những hình ảnh thôn xóm còn không gian trong bài thơ Việt bắc thì là vùng rừng núi hoang sơ nhưng cũng thân quen. Ở Tương tư, tác giả vừa bày tỏ vừa lí sự, có những so sánh táo bạo, còn ở Việt Bắc thì bộc bạch rất chân tình thành thật kết hợp với cách ví von duyên dáng.
Có sự khác nhau ấy là do bối cảnh mà hai nhà thơ đã sáng tác nên tác phẩm của mình. Một bên là chàng trai muốn mượn thơ ca để bày tỏ tình cảm cá nhân của mình với người thương, một bên là nỗi nhớ của người chiến sĩ với căn cứ địa cách mạng, quê hương thứ hai của những người lính. Thêm vào đó, các diễn đạt, triển khai các bài thơ cùng văn phong khác nhau cũng khiến cho mỗi bài thơ mang một phong vị riêng nhưng vẫn đậm đà ý vị, hồn khí dân tộc.
>>> XEM THÊM :
- Cảm nhận về khổ thơ cuối bài thơ Tràng giang
- Phân tích đoạn văn kể về cuộc gặp gỡ giữa người đàn bà hàng chài
- Phân tích khổ thơ thứ hai bài thơ Đây mùa thu tới