Đề bài: Cảm nghĩ của anh chị về giá trị hiện thực của đoạn trích Vào phủ chúa Trịnh
Bài làm
Lê Hữu Trác vốn xuất thân trong một gia đình quý tộc, ông làm quan dưới thời chúa Trịnh được một thời gian thì cáo lui xin về ở ẩn do nhận thấy xã hội thối nát, cương thường lỏng lẻo. Từ đó trở đi ông chú trọng nghiên cứu y học vừa chữa bệnh cho người, vừa soạn sách và mở trường dạy học truyền bá y đức, y thuật.
Ngày 12 tháng giêng năm Cảnh Hưng 43 (1782), Lê Hữu Trác nhận được lệnh chúa triệu về kinh xem mạch, kê đơn chữa bệnh cho thế tử Trịnh Cán. Những điều Lê Hữu Trác thấy được trong nhiều chuyến đi từ Hương Sơn ra Thăng Long đã thôi thúc ông cầm bút.
Đoạn trích “Vào phủ chúa Trịnh” đã thể hiện được đầy đủ những nét độc độc đáo trong bút pháp kí sự của Lê Hữu Trác. Đoạn trích đã vẽ lại một bức tranh sinh động về cuộc sống xa hoa hưởng lạc quyền quý của nhà chúa thời bấy giờ. Nhà văn quan sát tỉ mỉ, ghi chép trung thực, lại những điều mắt thấy tai nghe nơi nhà chúa để người đọc thấy được cung cách sinh hoạt nơi đây.
Tác giả sử dụng đại từ “tôi” làm tăng khả năng tường thuật và giá trị thực tế những gì tác giả chứng kiến trong mỗi chuyến đi của mình. Cách kể sự việc theo một tiến trình từ đột ngột, bất ngờ, thầy bỗng bị triệu vào cung thăm bệnh cho thái tử. Cách miêu tả chi tiết từ dáng dấp, cử chỉ, điệu bộ những nhân vật, lời nói và lễ tiết của mỗi người khiến cho tính tường thuật của bài viết tăng cao. Đây là những sự việc được tác giả chứng kiến và thuật lại một cách hết sức khách quan, chân thật, sinh động và đầy đủ. Từ đó người đọc sẽ có cái nhìn toàn diện và đánh giá về hiện thực của nơi phủ chúa.
Việc tác giả miêu tả quang cảnh cực kì xa hoa, tráng lệ, cung cách sinh hoạt cầu kì, phức tạp trong cung đình đều trực tiếp phản ánh cuộc sống nhung lụa toàn cảnh nơi phủ chúa, điều mà tác giả cũng lần đầu được chiêm nghiệm. Chẳng hạn cách miêu tả đồ dùng ở phủ chúa lộng lẫy với gác tía, kiệu son, võng điều. Đồ dùng của phủ chúa được sơn son thiếp vàng, mâm vàng, chén bạc, đồ ăn toàn là của ngon vật lạ… Đường đến nội cung của thế tử phải trải qua 6 lần trướng gấm. Nơi ở của thế tử có lối vào quanh co, sâu hun hút, qua nhiều lớp mành, rèm vào trong buồng phòng rất sang trọng, có sập thếp vàng, ghế rồng bày nệm ấm, xung quanh lấp lánh, hương hoa ngào ngạt… Tác giả đã khéo kết hợp tả với điểm xuyết, chọn lọc được những chi tiết đắt, từ đó nói lên quyền uy tối thượng cùng nếp sống hưởng thụ cực kì xa xỉ của gia đình chúa Trịnh Sâm. Giọng kể khách quan, trang nghiêm, đan xen với thái độ ngạc nhiên và hàm ý phê phán kín đáo chúa Trịnh, tác phẩm ẩn giấu một nụ cười châm biếm, mỉa mai với thói hưởng lạc ấy.
Những phân đoạn độc thoại trong tác phẩm đã cho thấy cách nhìn nhận sắc sảo tinh tế cùng những cảm nhận đánh giá của tác giả về lối sống trong nhà chúa. Đó là sự không đồng tình, phê phán với lối sống xa xỉ hưởng lạc, lãng phí và kệch cỡm.
Trong khi cung cấm hoành tráng bề thế như vậy, đội ngũ ngự y trong cung cũng đông đảo, lương y trong sáu cung hai viện về bản chất lại là một hệ thống quan lại bất tài, ăn bám. Dù căn bệnh của thế tử rất dễ chẩn đoán với người làm nghề nhưng họ lại không hề phát hiện ra và còn tranh luận rất gay gắt về việc chữa bệnh cho thế tử. Đội ngũ ngự y là những người bất tài.
Tác phẩm Vào phủ chúa Trịnh quả là một bản kí đáng quý ghi chép lại một khía cạnh lịch sử đó là cung cách sống và sinh hoạt của gia đình nhà chúa Trịnh. Qua đây người đọc có thể có những cách nhìn nhận, đánh giá của riêng mình về sự việc đồng thời thấy được ở đây một vị lương y Lê Hữu Trác tài năng nhưng khái tính, khiêm nhường và rất uyên thâm, sâu sắc.
>>>Xem thêm: Soạn bài Vào phủ chúa Trịnh