Đề bài: Cảm hứng lãng mạn và bi tráng là nét nổi bật trong bài thơ Tây Tiến của Quang Dũng
Từ bài thơ Tây Tiến, suy nghĩ của anh/chị về ý kiến trên
Bài làm
Bài thơ Tây Tiến có thể coi là bài thơ xuất sắc nhất của nhà thơ Quang Dũng. Bài thơ này vô cùng đặc biệt cũng rất nổi bật bởi cách tái hiện lại cuộc sống và chiến đấu của những người lính một cách vừa hào hùng lại không kém phần thơ mộng. Khi nhận định về bài thơ này, có ý kiến cho rằng: Cảm hứng lãng mạn và bi tráng là nét nổi bật trong bài thơ Tây Tiến. Nhận định này là hoàn toàn chính xác về tác phẩm.
>>> XEM THÊM : phân tích đoạn 1 bài thơ tây tiến
Cảm hứng lãng mạn đến từ chỗ nhà thơ đã khai thác và miêu tả vẻ đẹp của những người lính ở tính cách thơ mộng và vẻ đẹp lãng mạn của họ. Họ là những chàng thanh niên tuổi đời mới mười tám đôi mươi, rời bỏ mái trường, rời bỏ những người thân yêu để lên đường nhập ngũ. Dù là trong bối cảnh chiến đấu gian khổ nhưng họ vẫn sống đúng với bản tính, tính cách của mình. Ở họ, ta có thể thấy được sức sống, sự vui tươi, yêu đời, niềm lạc quan với cuộc sống. Họ vừa hành quân nhưng cũng không bỏ qua những cảnh đẹp thiên nhiên đất trời, họ cảm nhận nó bằng sự mộng mơ, bay bổng đúng với vẻ đẹp pha sương pha khói của đất trời và núi rừng. Họ vẫn vui hết mình, hòa nhập hết mình với bà con đồng bào dân tộc, cùng họ giao lưu văn nghệ, nhảy những điệu nhảy cổ truyền, vui ca cùng những cô gái Viên Chăn. Những chàng trai ấy dù dũng cảm đến mấy thì vẫn có trong mình những tình cảm hết sức tự nhiên, thuần túy, đêm đến họ vẫn nhớ về gia đình, nhớ người thân và thao thức vì bóng hình người con gái Hà Nội. Ngay cả trong chiến đấu và hi sinh họ vẫn coi nó nhẹ nhàng như những vần thơ, vẫn cùng nhau động viên bước qua và chấp nhận những nghiệt ngã, thách thức nơi chiến trường.
Nét bi tráng lại không đến từ tính cách những chàng trai mà đến từ sự thật cuộc sống và chiến đấu hùng dũng, oanh liệt của họ. Họ phải ngày đêm hành quân trên những con đường cheo leo trắc trở, chỉ cần sẩy chân là có thể bỏ mạng dưới vực sâu thăm thẳm. Nơi đây họ phải đối mặt với những cơn bạo bệnh như sốt rét rừng, thiếu ăn. Ai ai da cũng xanh bủng xanh beo, đầu thì trọc lốc thế nhưng người nào người nấy vẫn coi đó là “dữ oai hùm”. Họ xông pha nơi chiến trường, không quản ngại cả việc bỏ mình nơi mồ viễn xứ. Với tín ngưỡng và tâm linh truyền thống của dân tộc ta, ai mà chẳng muốn lá rụng về cội, khi nằm xuống được ở gần người thân của mình, được nằm tại quê hương, nơi chôn rau cắt rốn của mình. Thế mà những người lính này, chiến đấu hết sức quả cảm, dù có hi sinh họ cũng không ngại việc không có manh chiếu bó thân không ngại việc phải nằm rải rác thân mình miền biên viễn. Hoàn cảnh của họ bi thương nhưng hùng tráng, hào hùng và oanh liệt. Họ đã tạc thành một tượng đài bất khuất về người lính trong chiến đấu.
Với cảm hứng lãng mạn và bi tráng bao trùm cả bài thơ, tác phẩm đã khiến cho người đọc được cảm nhận nhiều cung bậc cảm xúc khác nhau khi đi theo hành trình của những chàng trai Tây Tiến. Được đi theo lí tưởng cùng hoài bão của mình đồng thời sống theo đúng lứa tuổi và tính cách của bản thân đã khiến tác phẩm tái hiện chân thật nhất cuộc sống và chiến đấu của người lính Tây Tiến.
>>> XEM THÊM :
-
Bàn về nhân vật Tràng
-
Mị nghe tiếng sáo vọng lại thiết tha bổi hổi
-
Cảm nhận vẻ đẹp khuất lấp của nhân vật người đàn bà hàng chài