Đề bài: Bình luận câu ca dao: Cầm vàng mà lội qua sông – Vàng rơi không tiếc tiếc công cầm vàng.
Bài làm
Ca dao xưa có câu: “Cầm vàng mà lội qua sông – Vàng rơi không tiếc, tiếc công cầm vàng”. Đây là một câu ca dao không chỉ nói lên nỗi lòng của con người khi việc không thành mà còn là một lời răn dạy mọi người trong cách nhìn nhận sự việc và đối nhân xử thế.
Vàng là vật chất có giá trị, là tài sản quý giá, của báu của con người. “Cầm vàng” trong tay là mang theo một vật báu, là có trong tay đồ vật rất có giá trị trên người. “Công cầm vàng” là công lao mang vác, giữ gìn nó, là sự che chở, quý trọng của người mang. Có thể hiểu câu ca dao theo nghĩa đen rất đơn giản đó là khi mang theo vàng mà lội qua sông, chẳng may đánh rơi mất vàng thì đáng tiếc hơn cả chính là công mang vác, giữ gìn nó.
Câu ca dao nhấn mạnh đến hành động thay vì vật chất. Con người coi trọng những quá trình, sự nỗ lực cố gắng để làm nên việc lớn hơn là tài sản sẵn có, tài sản hữu hình về vật chất. Để làm nên được việc lớn, để có được những thành quả tốt đẹp thì con người phải trải qua quá trình khổ luyện, trải qua những gian khó, thăng trầm, đổ biết bao mồ hôi và nước mắt mới nên được những thành tựu, đạt được mục tiêu đề ra. Thế nên, quá trình đó cũng là điều mà mỗi người biết quý trọng, biết nâng niu, gìn giữ.
Câu ca dao cũng cho thấy một đức tính tốt đẹp của con người đó là sự cẩn thận và tính cầu toàn, chăm chỉ của con người phấn đấu trong làm việc, lao động, đóng góp sức mình. Chỉ khi hết mình vì một công việc nào đó thì sự đổ vỡ, hỏng hóc mới khiến người ta luyến tiếc công lao mà mình bỏ ra. Của một đồng công một nén, tài sản có thể kiếm được lại, vàng có thể lại mua được nhưng công lao mà con người bỏ ra là điều không thể vãn hồi.
Câu ca dao vừa chỉ ra những nét tư duy thường thấy trong tâm trạng của mỗi con người, đồng thời vừa là bài học răn dạy con người về biết trân trọng và gìn giữ những hành động, công lao để làm nên thành quả lớn. Giống như việc con người đã đi một chặng đường dài khi sắp đến đích, sắp hoàn thiện mục tiêu thì vẫn có khả năng đổ bể. Chính vì vậy con người cần phải có sự cẩn thận, trách nhiệm, sư chu toàn đối với mỗi công việc của mình, tránh để xảy ra tình trạng công bỏ bể.
Có thể hiểu câu ca dao này trong công việc học tập, lao động và trong tình cảm của mỗi con người. Quá trình học tập vô cùng gian nan, vất vả, nếu chẳng may học tài thi phận dù đã cố gắng hết mình nhưng kết quả lại không được như mong muốn, vậy thì chúng ta chỉ nên quan tâm, trân trọng quãng thời gian vất vả hết mình vì nó mà không nên quá quan trọng hóa thành tích đạt được. Trong chuyện tình cảm cũng vậy, dù thành hay không thì cũng nên nhìn vào cả một quá trình cùng nhau vun vén, xây dựng hạnh phúc.
Chỉ một câu ca dao ngắn nhưng lại chất chứa nhiều ý nghĩa trong cuộc sống và lao động của con người. Cha ông ta đã dạy phải biết đề cao tới quá trình phấn đấu, nỗ lực thay vì chỉ chăm chăm nhìn vào kết quả để đánh giá thành tích. Đây là một lời răn dạy vô cùng bổ ích, có ý nghĩa đối với bất kì ai trong hoàn cảnh nào. Con người ngày nay cũng nên nhìn vào đó để học tập, cố gắng, để biết trân trọng những gì người khác mang lại và những gì mà bản thân mình đạt được.
Một sự động viên, khích lệ sẽ đáng giá hơn rất nhiều sự chỉ trích, khiển trách. Qua đây chúng ta cũng nên rút kinh nghiệm trong ứng xử, giao tiếp với những người xung quanh mình, với những gì mà họ làm được.