Đề bài: Bình Giảng Khổ Thơ Sáng Chớm Lạnh Trong Lòng Hà Nội … Trong Bài Đất Nước Của Nguyễn Đình Thi
“Sáng chớm lạnh trong lòng Hà Nội
Những phố dài xao xác hơi may”
“Người ra đi đầu không ngoảnh lại
Sau lưng thềm nắng lá rơi đầy”
Bài Làm
Trong bài thơ Đất nước của nhà thơ Nguyễn Đình Thi có một đoạn thơ tác giả đã tái hiện lại hình ảnh Hà Nội qua nỗi nhớ và miền ký ức của chính bản thân nhà thơ. Hà Nội ấy hiện lên trong hoài niệm của ông đầy mộng mơ mê hoặc nhưng lại đượm buồn man mác.
>> XEM THÊM: Soạn bài Đất nước
“Sáng chớm lạnh trong lòng Hà Nội
Những phố dài xao xác hơi may”
Ai đã đi qua bốn mùa ở Hà Nội là có thể hiểu, cái cảm giác khi thu về làm cho không khí se se lạnh, những cây điệp, cây phượng, cây sấu… lá bắt đầu vàng và lác đác rụng xuống, Hà Nội bỗng khoác lên mình một vẻ đẹp rất buồn, rất lay động. Nhà thơ khi hoài niệm về một Hà Nội đã nhớ ngay về giai đoạn này có lẽ cũng bởi vì thế. Hình ảnh mùa thu Hà Nội được gợi lên qua những con phố dài heo hút. Sự vắng lặng đã khiến những con phố như dài thêm ra. Mà sự vắng lặng ấy là do đâu, có lẽ là do những chàng trai đã lên đường theo tiếng gọi của Tổ quốc. Từ láy “xao xác” vừa gợi lên hình ảnh vắng vẻ cô quạnh lại cho thấy cảm xúc buồn hiu hắt với những chiếc lá rơi xuống từng con phố. Từ “xao xác” ấy cũng biến câu thơ từ tĩnh mà trở nên có động. Nó làm cho chàng trai càng thêm thổn thức khi nghĩ về quê nhà.

“Người ra đi đầu không ngoảnh lại
Sau lưng thềm nắng lá rơi đầy”
Câu thơ thứ ba là hình ảnh người lính trẻ lên đường nhập ngũ. Người lính ấy ra đi với một lòng quyết tâm và ý chí sắt son, vững vàng. Sự vững vàng ấy được biểu hiện qua hành động quyết không ngoảnh đầu lại của chàng trai. Vốn là một con người yêu quê hương đất nước, gắn bó với một Hà Nội thân thuộc, nay phải ra đi mà không biết có ngày trở về hay không tình cảm của chàng trai dành cho Hà Nội càng trở nên cháy bỏng hơn bao giờ hết. Thế nhưng những tình cảm ấy đã không thắng được ý chí quyết tâm, người lính ấy vẫn thẳng bước ra đi mà không hề nhìn lại quê nhà một lần. Trong tim của người lính này không chỉ có sự dũng cảm gan góc của một người lính trên con đường xông ra chiến trận mà còn có những tình cảm thiết tha nồng cháy với quê hương. Và người lính ấy đã dẹp tất cả những tình cảm đó sang một bên để lại sau lưng chỉ còn thềm nắng lá rơi kín và lên đường ra đi theo tiếng gọi của Tổ quốc.
Người lính quay lưng bước đi để lại đằng sau một cảnh tượng ảm đạm, lá cứ rơi, nắng vẫn cứ rọi nhưng con người thì không còn rộn ràng. Những câu thơ đọc lên đầy “chất thơ”, dường như ngòi bút của tác giả Nguyễn Đình Thi đã tuôn ra những dòng chữ này từ tâm hồn và cảm xúc vô cùng xao động trong một chiều thu Hà Nội khi phải cất bước ra đi. Cả đoạn thơ vì thế làm cho người đọc thấy xuyến xao trước một mùa thu Hà Nội lại thấy thấm thía một nỗi buồn man mác giống với chàng trai năm nào. Nhịp điệu của đoạn thơ trầm ổn, hợp với một giọng kể chuyện trong một bối cảnh thu buồn của Hà Nội.
Đoạn thơ trên là những hoài niệm của nhà thơ về mảnh đất Hà Nội, người lính khi ấy rời khỏi quê nhà để lên đường vào chiến khu. Một sự ra đi không được lột tả bằng khí thế hừng hực mà lại đi rất chân thật vào những cảm giác luyến lưu và đầy yêu thương với quê hương của mình. Đây có thể nói là một đoạn thơ tự sự xuất sắc về Hà Nội trong thơ của Nguyễn Đình Thi. Từ đây nhịp điệu và giọng điệu bài thơ sẽ chuyển sang vui tươi, dồn dập đầy sức sống với không khi nơi chiến khu mà nhà thơ sống và chiến đấu, đó lại là một mùa thu khác hoàn toàn với thu Hà Nội.
>> XEM THÊM:
Phân tích lưu biệt khi xuất dương