Đề bài: Bàn về nhân vật Tràng trong truyện ngắn Vợ nhặt của nhà văn Kim Lân có ý kiến cho rằng: Tràng là một gã trai quê nông nổi, liều lĩnh nhưng lại đầy khát khao và tốt bụng. Anh/chị hãy làm sáng tỏ ý kiến trên.
Từ đó, liên hệ với nhân vật Chí Phèo trong truyện ngắn cùng tên của nhà văn Nam Cao để nhận xét về số phận của người nông dân thông qua hai nhân vật này.
Bài làm
Trong văn học Việt Nam, nếu hỏi ai là người trong nạn đói Ất Dậu năm 1945 được lợi nhiều thì đó có lẽ là anh cu Tràng trong truyện ngắn Vợ nhặt của nhà văn Kim Lân. Nhân vật Tràng đã kiếm được món hời lớn đó là cả một người vợ bằng xương bằng thịt mà chỉ mất có mấy bát bánh đúc và một lời chào rơi. Bàn về nhân vật này, có ý kiến cho rằng: “Tràng là một gã trai quê nông nổi, liều lĩnh nhưng lại đầy khát khao và tốt bụng” thì đúng quả là có vậy.
Đầu tiên, Tràng đích thực là một gã trai quê, quê mùa lại xấu xí. Anh chỉ có một mẹ già và người chị gái đã đi lấy chồng, hai mẹ con phải tha hương đi lánh nạn. Hoàn cảnh sống túng quẫn, miếng ăn còn không có thế mà anh vẫn hào phòng mời một người đàn bà lạ hoắc lạ huơ những 4 bát bánh đúc. Ai bảo anh cái tội trêu mấy cô con gái để người ta chạy lại đẩy xe cho mình. Xong rồi anh cũng lại tếu táo rủ người đàn bà lạ mặt ấy về cùng một nhà với mình “cho vui”. Anh cu Tràng thậm chí còn chưa biết tên tuổi của người ta, không biết gốc gác, quê quán, xuất thân người ta ở đâu vậy mà anh nói hết sức tự nhiên, như thể cưới một người vợ mà dễ như đi chợ mua một món đồ vậy. Mà đây cũng nào phải anh mua, anh nhặt được ấy chứ. Rủ một người đàn bà hoàn toàn xa lạ, không quen biết, mới chỉ gặp gỡ đúng hai lần về làm vợ mình, là người chung chăn gối, bên mình cả cuộc đời như anh Tràng thì đúng là liều thật, không cái liều nào bằng. Ấy là chưa kể đến miếng ăn mẹ con anh còn chẳng có, thân mình còn chẳng biết có nuôi nổi hay không. Mẹ con anh chẳng chào đón nàng dâu mới bằng một nồi cháo cám thịnh soạn, đắng chát nghẹn ứ ấy là gì. Thân mình không xong lại còn đèo bòng, đó cũng là suy nghĩ của chính anh khi người vợ nhặt đồng ý theo anh về. Ở đây người đọc cảm giác anh là một người nông nổi, liều lĩnh, chưa suy nghĩ chu toàn, cưới vợ đâu phải là chuyện chơi, huống hồ chi cưới trong cái thời điểm khó khăn nhất.
Thế nhưng anh vẫn mặc kệ, bởi với anh ngày mai ắt sẽ con đường sống. Anh là người có thái độ sống lạc quan tích cực, nghĩ nhiều đến hạnh phúc và sự tươi sáng hơn là bi quan, bi lụy, đó cũng là điều mà người đọc phải học hỏi ở anh. Nói anh cu Tràng là người đầy khát khao là bởi anh luôn mơ ước đến một cuộc sống hạnh phúc, đủ đầy. Sau khi cưới vợ, anh cảm giác được có rất nhiều thứ đổi khác trong cuộc sống của mình. Anh thấy mình có thêm trách nhiệm đối với gia đình, anh phải chăm sóc cho vợ con, cho mái ấm nhỏ của mình. Anh cũng là một người vô cùng tốt bụng. Chỉ ngay từ hành động nhặt vợ đã thấy được điều đó, anh đã cứu vớt cuộc đời của người vợ mình. Anh nghĩ đến tương lai với hình ảnh đoàn người kéo nhau đi, cờ đỏ sao vàng bay phấp phới. Chính vì suy nghĩ lạc quan, tích cực đó của anh cu Tràng đã khiến cho câu chuyện trở nên nhẹ nhàng, không bức những người nông dân đến đường cùng, không đẩy họ vào những bi kịch nội tâm.
Đây cũng là điểm khác biệt lớn đối với cách kết thúc trong truyện ngắn Chí Phèo của nhà văn Nam Cao. Chí Phèo xuất thân cũng là một chàng trai lương thiện, một anh thanh niên hiền lành, chân chất. Thế rồi hoàn cảnh bi kịch đã đẩy anh vào con đường tù tội, làm anh tha hóa cả về mặt nhân hình và nhân tính. Chí Phèo trở nên sa đọa. Khác với Tràng là người luôn có niềm tin yêu phơi phới vào cuộc đời thì bi kịch đã biến Chí Phèo trở thành một con người khác. Anh hung bạo, dùng cướp bóc và dọa nạt để sống. Anh trở thành tay sai, công cụ đắc lực cho Bá Kiến. Âu cũng là bởi người ta không còn cho anh cơ hội làm người nữa rồi, người ta đã đẩy anh đến tận cùng của tuyệt vọng, khiến anh rơi vào khổ đau, bế tắc và không lối thoát.
Cả hai nhân vật Chí Phèo và Tràng đều là những người nông dân bất hạnh trong xã hội xưa. Thế nhưng Tràng rồi sẽ còn có ánh sáng của cách mạng soi đường còn Chí Phèo anh cuối cùng chỉ còn cách lựa chọn cái chết để trở lại làm người. Nếu như hoàn cảnh của Tràng là do tất yếu của sự cướp bóc, chèn ép của phát xít Nhật đối với nhân dân với xã hội ta thì Chí Phèo lại là nạn nhân của tầng lớp cường hào, địa chủ phong kiến, nơi những con mọt già như Bá Kiến tác oai tác quái. Họ đều là những con người lương thiện, hiền lành vì cuộc sống đưa đẩy mà có những số phận bất hạnh theo những cách khác nhau.
>>> XEM THÊM :